OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXVIII – Thường niên A Chúa Nhật Chúa Nhật XXVIII – Thường niên A Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới. Tin Mừng Mt 22,1-14 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới !’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới’. Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. “Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới ?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít’”. Suy niệm: Mặc Chiếc Áo Cưới Trong Ngày Rửa Tội Dụ ngôn Chúa Giêsu kể hôm nay có nhiều chi tiết mới nghe chúng ta thấy không hợp lý cho lắm? Thứ nhất, giả như bây giờ chúng ta được ông chủ tịch quận hay huyện mời dự đám cưới con của ông, mình có đi không? Phải đi chứ, vinh hạnh lắm! Đàng này trong Tin Mừng kể ông vua mời, tại sao những khách mời không thèm đếm xỉa tới lời mời, rồi còn đồng loạt từ chối không đi, tại sao? Thứ hai, lý do họ từ chối không đi: kẻ thì đi thăm trại, đi buôn, kẻ khác đi cày đi cấy... đó là những lý do chính đáng mà vì họ là những người nông dân lao động kiếm miếng cơm manh áo thường ngày, bỏ cày bỏ cấy lấy gì ma nuôi gia đình. Chi tiết thứ ba là vua mời mà không đi thì thôi tại sao họ bắt bớ và các giết sứ giả của vua, phi lý quá? Chi tiết cuối cùng, khi những khách được mời không tới, nhà vua bảo đầy tớ ra ngoài đường mời hết mọi người bất luận giàu nghèo, tốt xấu, người lang thang và cả kẻ ăn xin vào tiệc cưới. Đương nhiên, những người này làm gì có áo đẹp, mà hơn nữa bất thình lình thì lấy gì có y phục lễ cưới mặc kịp, thế thì tại sao vua phạt anh không mặc y phục lễ cưới, nghịch lý nhỉ? Chúa Giêsu kể dụ ngôn này nghe thì nghịch lý đó nhưng quy chiếu về lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người đúng y như vậy. Cụ thể, ông vua trong dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn nói đến dung mạo Thiên Chúa yêu thương con người tha thiết đến cỡ nào, 5 lần 7 lượt mời con người hiệp thông với Ngài, vào Nước của Ngài mà hưởng hạnh phúc vui vẻ đời đời, ấy vậy, con người một mực chối từ. Vâng, Thiên Chúa mở tiệc cưới cho Con của Ngài là Chúa Giêsu, nhưng cưới ai? Cưới cả nhân loại. Sách Sáng Thế kể “Người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mình mà luyến ái với vợ mình và cả hai nên một thân xác” (St 2,24). Còn Chúa Giêsu đã lìa bỏ Cha của mình trên trời cao để kết hợp với nhân loại trong thân xác. Với đám cưới này, Thiên Chúa mời cả dân Do Thái đến dự tiệc cưới, nhưng họ chối từ. Thiên Chúa sai ngôn sứ đến, họ cũng chối từ, rồi giết chết. Cuối cùng vị vua đó nổi cơn thịnh nộ chu triệt thành phố của họ. Mát-thêu có ý nói đến biến cố năm 70 năm khi đế quốc Rôma đem quân sang xâm chiếm thành Giêrusalem và thành đã phá huỷ không còn hòn đá nào trên hòn đá nào. Từ đó, dân Do Thái trở thành một dân tộc không có quê hương suốt 19 thế kỷ. Sau đó, Thiên Chúa sai các ngôn sứ đi ra mọi ngã đường của thế giới không còn trong nước Palestina nữa mà đến với các nước Ai Cập, Iran, Iraq... trong đó có Việt Nam, để mời tất cả nhân loại vào dự tiệc cưới. Giờ đây, bàn tiệc cưới của Giáo Hội là bàn tiệc Thánh Thể, được Chúa Ki-tô khai mạc với các Tông Đồ trong bữa tiệc ly (Mt 26, 26- 29) và luôn được tái diễn từ ngày Hiện Xuống trong Giáo Hội sơ khai (Cv 2, 42) cũng như trong các cộng đoàn Kitô hữu mới (1Cr 11, 23- 29) cho tới hôm nay, cụ thể vào mỗi Chúa Nhật chúng ta cử hành tiệc cưới Con Chiên. Như vậy, để xứng đáng tham dự bàn tiệc Thánh Thể, phải mặc áo cưới, áo cưới đó là chiếc áo trắng chúng ta mặc ngày lãnh nhận phép Rửa tội, khi linh mục trao chiếc áo trắng và nói: Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Chiếc áo này là dấu chỉ tước vị của con, con hãy mang và giữ nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh. Như vậy, chiếc áo cưới đây chính là tước vị của chúng ta, tước vị đó là gì? Là chức tước và danh vị. Chức tước của chúng ta là vương đế, tư tế và ngôn sứ, còn danh vị của chúng ta là danh Kitô, cho nên người rửa tội trong đạo Công giáo gọi là Kitô hữu. Vì vậy, Lời Chúa trong bài đọc 2, Thánh Phaolô nói: Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết để tôn vinh Danh Chúa đến muôn đời. Vì thế để cho tước vị của chúng ta được tinh tuyền và giữ mãi, Chúa Giêsu hôm nay đòi hỏi tất cả chúng ta mặc y phục lễ cưới mãi trong đời mọi nơi mọi lúc. Mặc áo cưới đây chính là bỏ con người cũ mặc lấy Chúa Kitô, có nghĩa là lấy Lời Chúa làm lẽ sống, tức phải sống Phúc Âm hóa chính bản thân trong mọi hoàn cảnh. Cởi bỏ con người cũ thật khó lắm, vì chưng tính xác thịt đã ăn sâu vào trong con người bây giờ tháo bỏ thì thiệt thòi lắm, uổng lắm... Chẳng hạn, ngày Chúa Nhật, ngày ăn nên làm ra, giờ bỏ buôn bỏ bán một giờ để đi lễ là không được, mất khách, thất thu không được. Hay là thời buổi này xã hội ai cũng gian xảo mánh lới, lọc lừa là chuyện bình thường, còn Chúa bảo chúng ta phải thật thà và trong sạch, sao khó quá vì người đời lọc lọc, lương lẹo lại lên lương, còn mình thật thật thì thua thiệt! Rồi, thời buổi này ngoài đời người ta cho trai gái yêu nhau thoả mái, muốn cưới nhau thì phải sống chung trước, đẻ con rồi mới cưới vì cưới về vô sinh thì toi đời trai sao, cho nên người Công giáo bắt phải giữ mình đồng trinh khó quá, không theo nỗi! Như vậy, nếu chúng ta không cởi bỏ áo cũ, không sống theo Tin Mừng của Chúa cho dẫu chúng ta có ở giữa lòng Giáo hội, thì chúng ta vẫn chưa xứng đáng dự tiệc cưới của Chúa Giêsu vì không mặc áo cưới, không sống Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh dạy. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kể anh chàng không mặc y phục vụ cưới sao? “Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!” Thánh Phaolô nói: “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3,27). Mặc lấy Chúa Kitô cũng là mặc lấy tư tưởng, lời nói và hành động của Kitô có nghĩa rằng chúng ta phải hoán cải đời sống và sống Phúc Âm từ chính bản thân đến gia đình, Giáo xứ... để mỗi người trở nên thánh và thiện trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Như thế, chúng ta mới được Thiên Chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng tiệc cưới hạnh phúc trên đời này và Nước Trời mai sau. Vì thế, trong Thánh lễ, trước khi hiệp lễ, Linh mục cầm chén Máu Thánh và Mình Thánh Chúa giơ cao và đọc: Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Vậy, mỗi lần chúng ta đến tham dự Thánh lễ, chúng ta là người có phúc vì được Chúa mời. Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay và mọi Thánh lễ, xin cho mỗi người chúng ta biết giữ niềm hạnh phúc vô biên ấy từ bây giờ và cho đến khi vào dự tiệc cưới Nước Trời bằng việc sống Lời Chúa và lời Hội Thánh dạy một cách chân tình và triệt để hằng ngày qua từng lời nói, hành động, công ăn việc làm hay cách đối nhân xử thế của chúng ta trong gia đình và cuộc sống. Amen. Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang Thiên Chúa Mời Nhưng Con Người Tự Do Bài đọc Cựu Ước trong sách tiên tri Isaia và bài Tin Mừng đều đề cập đến bàn tiệc. Ai cũng hiểu đây là một kiểu nói để diễn tả một thực tại siêu vượt: Nước Trời. Thiên Chúa mời và muốn tất cả vào dự tiệc, nghĩa là vào Nước Trời; nhưng không phải tất cả mọi người đều đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. 1. Thiên Chúa mời con người chia sẻ sự sống vĩnh cửu Ngày đó Thiên Chúa sẽ thiết tiệc đãi mọi dân tộc, thịt béo rượu ngon. Ngày đó Thiên Chúa cất tấm khăn tang, không còn những chuyện buồn phiền nữa. Ngay cả cái chết, Ngài cũng hủy diệt. Chính Thiên Chúa sẽ lau khô những giọt lệ, chính Ngài sẽ ủi an dân Ngài. Tất cả những điều trên là dấu chỉ của Nước Trời, nơi đó Thiên Chúa sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của con người, nơi đó con người sẽ được toại nguyện và hạnh phúc. Thiên Chúa là nguồn mọi hy vọng của con người. Ngài không chỉ là Đấng thoả mãn nhu cầu vật chất, cho con người lương thực hằng ngày, hoặc thịt béo rượu ngon; nhưng Ngài còn đong đầy mọi hy vọng, Ngài biến đổi lòng người, Ngài là Đấng cứu độ. Dự tiệc “Nước Trời” là hồng ân Thiên Chúa ban cho con người, cho mọi dân tộc chứ không chỉ riêng cho dân tộc Do Thái, cho mọi người thành tâm thiện chí chứ không phải chỉ cho những người mang danh Công Giáo. Thiên Chúa muốn chia sẻ sự sống vĩnh cửu của Ngài với mọi người thuộc mọi dân tộc, vì nếu không vậy Ngài đâu tạo dựng họ. Ngài tạo dựng con người, để con người được chia sẻ sự sống thần linh với Ngài. 2. Những người từ chối sự sống đời đời Ông vua trong dụ ngôn làm tiệc cưới cho con, đã cho người đi gọi những người được mời để họ đến dự tiệc cưới. Và những người được mời đã chọn làm điều họ quan tâm hơn là đi dự tiệc của vị vua; hơn nữa, một số người không chỉ không đi, mà còn bắt các đầy tớ được sai tới, hành hạ và giết họ nữa. Ông vua đã cho mời tất cả những người tìm được vào dự tiệc cưới của con ông; và người ta đã vào tiệc. Theo phong tục, khi vào phòng tiệc mọi người đều được mời mặc trang phục tiệc cưới do chủ tiệc cung cấp, ấy thế mà vẫn có một người không chịu mang trang phục lễ cưới khi vào phòng tiệc. Con người tự do trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương con người, tạo dựng con người vì yêu thương, và mời gọi họ vào Nước Trời để chia sẻ sự sống vĩnh cửu với Ngài cũng vì yêu thương. Tuy nhiên một số người đã từ chối không vào, họ đã không muốn dự tiệc cưới, và ngay cả có người bước vào bàn tiệc vẫn còn không muốn dự tiệc qua việc không mang trang phục lễ cưới. Ai không sống yêu thương, không thể vào Nước Trời ngay cả khi họ mang danh Kitô-hữu. 3. Cách sống của những người tự do đích thực Những người chọn Thiên Chúa trên mọi sự, là những người sống hạnh phúc ở đời sau và ngay ở đời này. Họ tự do với những gì nhiều người theo đuổi: tiền bạc, danh vọng, tình duyên. Những người đặt quá nặng tiền bạc danh vọng dường như lúc nào cũng bận rộn, và họ sẵn sàng hy sinh “bàn tiệc hạnh phúc” thường ngày để làm việc. E rằng những người này không có tự do đích thực. Sự tự do đích thực không chỉ là tự do làm theo như mình muốn, nhưng còn là làm những gì lý trí thấy như vậy là đúng là tốt. Con người là thực tại có thân xác, con người chịu những chi phối của những định luật vật lý. Con người không có tự do vật lý tuyệt đối nhưng con người có tự do luân lý. Con người có tự do để sống theo lý trí hay theo bản năng. Thánh Phaolô có thể sống với mọi tình huống để rao giảng Lời Chúa cho những người ngài gặp gỡ. Ngài đã học để hành xử lúc no cũng như lúc đói, lúc nghèo cũng như lúc giàu. Bận tâm chính của ngài là Thiên Chúa, và làm sao để cho mọi người được biết Chúa và sống hạnh phúc. Niềm cậy trông của ngài cũng chính là Thiên Chúa. Ngài không tựa vào sức riêng của ngài. Những gì người ta tặng cho ngài, ngài lãnh nhận và trân trọng; đồng thời hy vọng Thiên Chúa sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của những người đã rộng lượng giúp ngài. Cách sống của Phaolô là cách sống của những người đã được cứu độ, chỉ có Thiên Chúa là nguồn hy vọng và hạnh phúc của ngài. Câu hỏi gợi ý chia sẻ 1. Điều bạn mong ước nhất là gì? 2. Nếu bạn đạt được điều mong ước ở trên, bạn có hạnh phúc lắm không, và hạnh phúc này kéo dài bao lâu? 3. Theo bạn, điều gì đáng bạn mong ước nhất? Điều bạn mong ước có thể đạt được không? Làm sao để đạt được điều bạn mong ước? Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm, SJ. Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 09 tháng 10 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên