OMI VIỆT NAM::Thư Của Cha Bề Trên Tổng Quyền Nhân Ngày Lễ Trọng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tin Hội dòng Thư Của Cha Bề Trên Tổng Quyền Nhân Ngày Lễ Trọng: Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Chúng ta cùng lắng nghe lời mời gọi chăm sóc ngôi nhà chung. Anh em Hiến Sĩ và tất cả anh chị em trong gia đình thiêng liêng thân mến, Ngày 01.09 là ngày thế giới cầu nguyện cho việc chăm sóc các thụ tạo. Đó là một sáng kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxi-cô, Đức Thánh Cha cũng đã viết Thông điệp Laudato Si’ (LS) về việc chăm sóc ngôi nhà chung. Tổng Tu Nghị 37 nói với chúng ta rằng, chăm sóc trái đất “là mối quan tâm hàng đầu trong công việc truyền giáo của chúng ta. Chúng ta ý thức rằng mình chưa nỗ lực hết sức để chăm sóc môi trường. Vì thế, chúng ta được thúc giục hãy dấn thân hết sức có thể hầu đưa mục tiêu cải biến sinh thái thành nhiệm vụ ưu tiên như một phần cơ bản trong đời sống chúng ta và là một phần không thể thiếu trong sứ vụ truyền giáo” (Lữ hành hy vọng trong hiệp thông PEC n. 11,1). Tôi thấy một số, thậm chí nhiều người, đặt câu hỏi: đối với chúng ta, liệu việc chăm sóc ngôi nhà chung có thực sự quan trọng? Thậm chí một số người còn phản đối, nếu không muốn nói là đối nghịch, trong việc chấp thuận một số đề nghị của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong thông điệp Laudato Si’. Ở đây, tôi không muốn đi sâu vào việc phân tích khoa học, chính trị hoặc xã hội học để tranh luận. Mong muốn của tôi là mọi người hãy đọc, cầu nguyện và tìm cách thực hành điều mà Chúa Thánh Thần linh hứng cho chúng ta khi đối diện với các văn bản của thông điệp Laudato Si’ và các tài tiệu của Tổng Tu Nghị 37 (PEC). Tôi đã yêu cầu Ủy ban Công lý và Hòa bình và sự toàn vẹn của các thụ tạo nhà Tổng quyền chuẩn bị các phương thế giúp chúng ta cầu nguyện và nghiên cứu thông điệp “Laudato Si”” trong cộng đoàn hầu khẳng định giá trị và tính cấp thiết của thông điệp trong tất cả các cộng đoàn của chúng ta. Duy trì và khuyến khích các hoạt động liên quan đến môi trường, liên kết với các nhóm khác thông qua cương lĩnh hành động của Giáo hội về thông điệp Laudato Si’. Hãy chú ý đến những việc đơn giản mà chúng ta có thể làm trong cộng đoàn của mình, chẳng hạn như .….tái chế rác” (PEC 15,1). Trong lá thư này, tôi muốn nhấn mạnh đến ba khía cạnh mà chúng ta có thể phát triển trong gia đình thiêng liêng của chúng ta để đáp lại lời mời gọi cải biến sinh thái. Cải biến sinh thái: lời mời gọi sống linh đạo sinh thái Cách đây vài năm, tôi có đọc một bài báo phản ánh về cách sống vô nhân tính của chúng ta. Theo tác giả, cũng là một tu sỹ chiêm niệm, lối sống ngày nay gây ra sự rạn nứt trong 3 chiều kích, với: Thiên Chúa, thụ tạo và tha nhân. Trong khi đó, đời sống đan tu đề xuất một nhịp sống mang tính nhân bản được đánh dấu bằng việc gặp gỡ Chúa hằng ngày, với những gì được tạo ra qua lao động, với cộng đồng và với người nghèo. Kết luận, chúng ta có thể rút ra cho riêng mình: để nhân văn hóa xã hõi, chúng ta phải cổ võ trải nghiệm tái kết nối và phát triển trong những gì đã đề cập; bên cạnh việc kết nối sâu sắc với nhau, thì cũng cần phát triển các phương tiện giao tiếp. Việc chúng ta quen nhìn thế giới qua ánh mắt của Đấng bị đóng đinh (C.4), từ trái tim mình chúng ta có thể lắng nghe được tiếng khóc của những người nghèo và tiếng rên rỉ của các thụ tạo đang bị hành hạ đang chờ có ngày được giải thoát khỏi sự hư nát (Rm 8, 18-23). Chúng ta phải công nhận rằng những tiếng kêu khóc đau đớn của các thụ tạo là do chúng ta tác động, do hành động và những thiếu sót của chúng ta. Đây là tội mà Đức Thượng phụ Batôlômêô gọi là tội chống lại sự sáng tạo, cho nên, chúng ta phải hoán cải và sửa đổi. Tại Tổng Tu Nghị, các nghị viên đã nhìn nhận những nỗ lực chưa đầy đủ của mình. Mỗi chúng ta hãy kiểm điểm lương tâm. Tôi không nghĩ rằng việc nuôi dưỡng nền linh đạo sinh thái lại mâu thuẫn với đặc sủng của chúng ta; ngược lại, tôi hy vọng nó có thể giúp chúng ta tăng trưởng. Là những nhà truyền giáo, chúng ta theo bước chân của Thầy Giê-su Ki-tô, Người đã chọn loan báo Tin Mừng cho người nghèo và mời chúng ta tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa qua câu chuyện hoa huệ ngoài đồng và chim sẻ mà Người kể cho chúng ta. Để giúp chúng ta hiểu được sức mạnh của Nước Trời mà chúng ta loan báo, Người nói với chúng ta về những hạt giống mọc thành cây lớn và chúng sinh trưởng cách âm thầm và sinh hoa kết trái tùy theo loại đất mà chúng được gieo vào. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta phân định các dấu chỉ thời đại như thấy gió mạnh chúng ta biết là sắp có mưa hoặc bão. Công trình tạo dựng rung chuyển khi Chúa Ki-tô chết trên thập giá và khi Người phục sinh từ trong mồ vào ngày thứ ba, bình mình của ngày mới làm mới lại niềm hy vọng vào nhân loại mới và thụ tạo mới được sinh ra nhờ cuộc phục sinh của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô làm chủ lịch sửa và Người sai Thánh Linh đến hoàn tất công việc của Người vì Thiên Chúa ở trong mọi sự” (Ep 1,10 ; 1 Cr 15, 24-28). Chiêm ngắm các thụ tạo từ viễn cảnh cứu chuộc với niềm hy vọng làm cho chúng ta yêu Chúa nhiều hơn, nên đồng dạng với Người, để Người sống trong chúng ta (C. 2) và phục vụ Người như những cộng tác viên ( C.1). Mối tương quan của chúng ta với Chúa Giê-su, được vun trồng cẩn thận sẽ giúp chúng ta khám phá Ngôi Lời nhập thế, nhờ Người muôn vật được tạo thành và qua công trình sáng tạo của Chúa, chúng ta nhận ra sự hiện diện của Người. Chúng ta ca ngợi sự hiện diện của Chúa mỗi ngày khi cầu nguyện bằng thánh vịnh, chúc tụng Người hiện diện nơi người nghèo. Sự hoán cải sinh thái đích thực sẽ đưa chúng ta đến hành động và dấn thân, vì trong sự hiệp thông với Chúa Giê-su, ngay cả những hành động đơn giản nhất, cũng mang một chiều kích biến đổi vượt quá mọi mong đợi. Vì thế, chúng ta hãy là những người đầu tiên lên tiếng phản đối bất kỳ điều gì ngăn cản các thụ tạo đáp lại lời mời gọi và sứ mạng của chúng. Chúng ta hãy là những người đầu tiên bảo vệ sự sống, đặc biệt là sự sống của con người từ khi thành hình và trải qua các giải đoạn sinh trưởng cho đến khi kết thúc cách tự nhiên. Tích cực sáng tạo và cố gắng thử mọi thứ trong khả năng của chúng ta để tạo thận lợi cho sự phát triển nhân bản, Ki-tô giáo và sự phát triển thánh thiêng của mỗi người, nhất là luôn quan tâm đến những người bị tổn thương nhất và quan tâm đến ngôi nhà chung của chúng ta đang bị đe dọa. Mỗi thành viên trong gia đình thiêng liêng chúng ta, mỗi đơn vị và đặc biệt là nơi những giáo xứ chúng ta mục vụ (PEC n. 13) được mời gọi sống và cổ võ nên linh đạo sinh thái thấm nhuần đặc sủng của chúng ta. Hoán cải sinh thái: thừa sai của người nghèo trong đối thoại và ra đi. “Chúng ta không được quên rằng tiếng kêu của trái đất là tiếng kêu của người nghèo, những người mà chúng ta ưu tiên đến với họ” (PEC 11.2). Chúng ta là những nhà truyền giáo và chúng ta có bổn phận gặp gỡ những người nghèo bởi vì Chúa Giê-su sai chúng ta đến với họ. Như những người lữ hành hy vọng trong sự hiệp thông, “việc phục vụ trước tiên của chúng ta trong Giáo hội là loan báo Chúa Ki-tô và Vương quốc của Người cho những người bị bỏ rơi nhất (C. 5). Đối với một nhà truyền giáo, mọi thứ xẩy đến đều là cơ hội để chúng ta hoàn thành sứ mạng. Việc chăm sóc ngôi nhà chung mang đến cho chúng ta những cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ những người nghèo và những người khác, với những động lực khác nhau, đang phấn đấu cho cùng một mục tiêu. Chúng ta phải ra ngoài để gặp gỡ người nam và người nữ, những người đang sống lối sống bền vững, để đáp lại tiếng kêu của Mẹ trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Ra ngoài để gặp gỡ, đối thoại và làm việc chung với những người khác, ra ngoài để loan báo Chúa Ki-tô và Vương quốc của Người cho những người bị bỏ rơi nhất. Thật là một cánh đồng bao la đang mở ra cho chúng ta! Đọc C. 7 trong bối cảnh này, chúng ta thấy mình đang sát cánh với những anh chị em khác trong Giáo hội và với những người tuyên xưng Chúa Ki-tô, những người mà chúng ta có thể cộng tác với họ trong những hành động đại kết để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Ngoài ra, với những người chưa tin nhận Chúa Ki-tô là Cứu Chúa của họ, nhưng vẫn làm việc để thúc đẩy lợi ích của Vương quốc đang đến. Chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta đang và sẽ là một lĩnh vực để đối thoại và cộng tác giữa các tín đồ thuộc những tôn giáo khác nhau, những người từ truyền thống của chính họ, tuyên bố rằng Đấng Tạo Hóa muốn tất cả chúng ta trở thành anh chị em có trách nhiệm với nhau và với các tạo vật. Đó cũng sẽ là nơi để đối thoại và gặp gỡ những người đương thời với chúng ta, những người không tự nhận mình là Ki-tô hữu nhưng ý thức và thúc đẩy sự bền vững của hành tinh chúng ta: một nơi gặp gỡ và thậm chí là lời loan báo đầu tiên dựa trên sự hỗ tương lẫn nhau, tôn trọng và cộng tác. Chúng ta đồng hành cùng các gia đình có sức cuốn hút khác và với những tổ chức liên tôn giáo trong các lãnh vực khác nhau, bao gồm cả việc thúc đẩy các khoản đầu tư tài chính, công bằng trong việc chăm sóc hành tinh của chúng ta. Tất cả chúng ta được mời gọi tham gia cuộc khởi hành chung này, và tôi mời gọi anh em hãy thực hành chương trình hành động mà Tổng Tu Nghị 37 đề nghị. “Thực tế, sứ vụ của chúng ta dẫn chúng ta đi khắp mọi nơi đến với những người mà hoàn cảnh sống của họ đang lớn tiếng kêu gào ơn cứu rỗi và niềm hy vọng mà chỉ có Chúa Ki-tô mới có thể ban cho dồi dào. Họ là những người nghèo mang nhiều dung mạo khác nhau; chúng ta ưu tiên đến với họ” (C. 5). Việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta là nơi gặp gỡ những người nghèo, những nạn nhân và được kêu gọi trở thành những tác nhân chính cho sự biến đổi. Luôn gần họ, chúng ta phải tìm cách đặt họ vào trung tâm hành động và đời sống của chúng ta. Tốt hơn hết, chúng ta phải học hỏi từ họ cách sống tốt hơn để chăm lo cho ngôi nhà chung của chúng ta. Theo cách này, chúng ta nên lắng nghe ý kiến của những người bản địa, những người thừa hưởng trí khôn của tổ tiên trong việc chăm sóc và tôn trọng Mẹ trái đất. Đâu là nên tảng phù hợp nhất để tìm hiểu những điều mà người nghèo và người bản địa có thể chia sẻ và dạy chúng ta? Chăm sóc ngôi là chung của chúng ta, có thể, là nơi đặc biệt để cả gia đình thiêng liêng chúng ta cộng tác với nhau. Cách riêng, Tổng Tu Nghị nói nhiều về giáo dân (PEC F. Laudato Si’ n. 4). Chúng ta phải học cùng nhau, cầu nguyện chung với nhau, làm việc chung. Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh cho người nghèo, và đặt họ ở trung tâm trong việc phân định của chúng ta. Chúng ta có thể chọn một hoặc hai hành động cụ thể mà tất cả chúng ta có thể tham gia như là dấu chỉ cam kết của đại gia đình chúng ta trong việc chăm sóc ngôi nhà chung? Nó phải là việc gì đó vừa tầm với mọi người nhưng lại có tác động đáng kể. Chẳng hạn, tôi ước mong chúng ta sẽ cam kết thực hiện một trong những hành động như: tái chế chất thải, tạo ra năng lượng sạch, tiêu dùng có trách nhiệm và tôn trọng công lý, tạo điều kiện cho mọi ngươi được tiếp cận nước sạch… Vì giới trẻ trong xã hội chúng ta đã thể hiện vai trò lãnh đạo toàn cầu giúp chúng ta nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc ngôi nhà chung và đảm bảo một tương lai bền vững, tôi yêu cầu tất cả những người trẻ trong gia đình thiêng liêng của chúng ta, người nam và người nữ, giáo dân và người thánh hiến, hướng dẫn chúng ta chăm sóc ngôi nhà chung. Xin các bạn trẻ giúp chúng tôi bắt tay vào làm việc với những cam kết cụ thể để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta. Giúp chúng tôi bước đi cùng với các bạn, vì các bạn và các thế hệ tương lai. Tôi đặt niềm hy vọng nơi các bạn, những người trẻ tuổi. 3. Hoán cải sinh thái: Niềm vui của sự nghèo khó Tin Mừng “Mỗi Hiến Sĩ và mỗi cộng đoàn, mỗi Sứ Vụ và mỗi Tỉnh dòng của Hiến Sĩ sẽ thực hiện một cuộc suy tư và hành động cụ thể để hướng đến một “cách sống ngôn sứ và chiêm niệm” (LS 222), đến “một hình bóng của con tim” biết nhìn tạo vật với đôi mắt của Đấng chịu đóng đinh (C 4), và với ánh mắt yêu thương của Chúa Giêsu (LS 226; x. Mc 10:21). (PEC F. Laudato Si’ n.3). Cách sống của chúng ta là loan báo Tin Mừng. Nếu chúng ta nói về một sự hoán cải thực tâm để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, thì chúng ta phải nói bằng cả con tim và cả túi tiền của mình. Việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà của chúng ta dễ dàng hơn là thay đổi lối sống của chúng ta. Chúng ta không được giống như những người chỉ biết Lề Luật và giảng dạy Lề Luật nhưng tâm hồn và hành động thì xa rời Lề Luật như Chúa Giêsu từng chỉ trích. Với lối sống đơn sơ và tương thân tương ái như Chúa Giêsu, tất cả chúng ta hãy nghe theo lời mời gọi sống Tin Mừng khó nghèo (Mt 5:3; 6:24-34; 19:21; Acts 2:42-47), điều mà chúng ta, những người tu sĩ đã cam kết sống triệt để qua lời tuyên khấn. Chúng ta được mời gọi sống “kết hiệp mật thiết hơn với Đức Kitô và người nghèo”, theo đó, chúng ta chối bỏ những tham vọng quyền lực và loan báo về sự xuất hiện của một thế giới không còn ích kỷ và sẵn sàng chia sẻ (C. 20) Từ viễn cảnh của việc chăm sóc ngôi nhà chúng của chúng ta, tôi tự hỏi, làm thế nào để chúng ta có thể thực hiện những điều này? Lối sống lưu tâm đến quả đất này cũng đồng thời là một con đường sống hiệp thông gần gũi hơn với Đức Kitô và người nghèo. Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Giêsu, hãy sống theo đường lối của Người và hãy tham gia vào nguồn sống mãnh liệt ấy, để nhờ đó, người vốn giàu sang phú quý đã trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho người anh em nên giàu có (2 Cr 8, 9). CC và RR số 21, 22 chỉ cho chúng ta thấy nên đi vào những phạm trù cụ thể: đặt của cải làm của chung, sống đơn giản, sống chứng tá … tránh xa mọi thứ xa hoa và vẻ hào nhoáng bên ngoài, tránh thu vén và tích góp của cải vô độ, tuân thủ theo luật lao động chung, tin tưởng vào Đấng quan phòng để biết sử dụng những gì cần thiết giúp đỡ cho người nghèo… Liệu rằng đây là một lý tưởng xa vời, không thể thực hiện được? Chúng ta hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất, từ cá nhân, gia đình, xã hội để ngày tiến gần đến lý tưởng. Chúng ta cần ý thức rằng cách sống và cách tiêu thụ của chúng ta tác động như thế nào đến ngôi nhà chung của mình cũng như cuộc sống của người nghèo. Đây quả thực là yếu tố cần thiết cho căn tính và sứ vụ của chúng ta. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng bởi vì chúng ta phải chiến đấu chống lại sự trì trệ hằng lôi cuốn làm chúng ta nên u tối, nhẫn tâm và ngày càng tiêu thụ hoang phí hơn. Vì bị chi phối quá nhiều thứ nên chúng ta không phát hiện ra được rằng niềm vui của chúng ta đang bị phai nhạt bởi mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa ngày càng thưa dần, trong khi chúng ta ngày càng gắn chặt hơn với một thế giới vốn tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa, khỏi thụ tạo, khỏi những người anh em thân thiết nhất của chúng ta. Tiếc thay, chúng ta luôn biện minh cho rất nhiều quyết định của mình trong việc tiêu dùng hàng ngày là cần thiết cho sứ mệnh của mình nhưng lại không thực sự nghĩ đến ảnh hưởng của chúng trong sứ vụ của chúng ta. Chìa khoá để chúng ta có thể thoát khỏi tình trạng thờ ơ này đó là sự phân định. Sự phân định cộng đoàn sẽ giúp chúng ta mở ra với thực tại và với Chúa Thánh Thần, Đấng luôn mời gọi chúng ta yêu mến và phục vụ Thiên Chúa nhiều hơn, Đấng luôn đồng hành và chia sẻ với chúng ta những điều chúng ta là và những gì chúng ta có với người nghèo. Bằng cách nào đó, thật hữu ích để phân định rằng chúng ta có đang sống theo lời đề nghị của LS số 23: “hạn chế càng nhiều càng tốt việc sử dụng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo, tiêu thụ vừa phải, tối đa hiệu quả sử dụng, tái sử dụng và tái chế”. Cách sống này sẽ mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích hầu có thể phát triển đời sống chứng tá Phúc Âm trong cộng đoàn nơi việc phục vụ người nghèo. Chúng ta có dám cùng nhau hành hương trên những con đường này không? Tôi tin rằng, việc hoán cải sinh thái theo tinh thần LS và PEC đòi hỏi việc hoán cải cá nhân và tập thể, một hành động buộc chúng ta phải thay đổi cuộc sống bằng việc để lại trong thế giới của chúng ta dấu chỉ của lòng bác ái, sự dịu dàng đối với người nghèo và ngôi nhà chung của chúng ta. Chúng ta hãy sống một đời sống đơn sơ như Mẹ Maria, không để lại một dấu chỉ nào khác ngoài dấu chỉ của những người theo Chúa là gieo rắc niềm hy vọng và tình hiệp thông. Mẹ là mẹ của nhân loại mới, của tạo vật mới; và trong mầu nhiệm Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, người trinh nữ nghèo khó làng Nazareth đã đạt đến sự viên mãn mà Thiên Chúa hằng ước mong nơi thụ tạo của Ngài, điều làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng vì chúng ta sẽ cùng được chia sẻ cuộc sống ấy với Mẹ. Cùng với Mẹ, tay trong tay, chúng ta hãy bước theo nhịp điệu của Giáo hội hướng đến việc cử hành Thượng Hội đồng vào tháng 10. Nhân ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Nữ Vương của hết thảy mọi thụ tạo, chúng ta phó thác cuộc hành hương của chúng ta để nói lời Xin Vâng lớn lao hơn bao giờ hết trước thánh ý Thiên Chúa dành cho chúng ta, cũng như có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc người nghèo và ngôi nhà chung của chúng ta. Xin Thánh Igiêniô và các chân phước Hiến Sĩ tiếp tục soi sáng và bảo vệ chúng ta để chúng ta canh tân cách nhiệt thành hơn trong đặc sủng của chúng ta. Người anh của các bạn, người lữ hành của niềm hy vọng trong sự hiệp thông. Luis Ignacio Rois Alonso, OMI Bề trên Tổng quyền. Havana (Cuba), ngày 15/ 8/ 2023 Trưởng Nam – Thanh Tùng, OMI. Chuyển ngữ. Nguồn:omiworld.org Ngày 17 tháng 08 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Trường Nghiên Cứu Truyền Giáo Lang Thang 2024: Công Bố Tin Mừng Ngày Nay Dấn Thân Trong Hân Hoan: Các Bề Trên Hiến Sĩ Được Sai Đi Sau Buổi Phụng Vụ Bế Mạc Xây dựng văn hóa chăm sóc và bảo vệ trong toàn Hội Dòng Đa văn hóa như lời Ngôn sứ Thư của Cha Bề trên Tổng quyền mừng kỷ niệm 198 năm Đức Thánh Cha chuẩn nhận Hiến Pháp và Luật dòng Cha Tổng quyền: Mối dây hiệp nhất sống động của chúng ta. Thông điệp Giáng sinh 2023 của Cha Tổng Quyền Các Cố vấn Tổng quyền viếng thăm Việt Nam Cha Tổng Quyền, Người lữ hành theo chân Đức Mẹ Guadalupe Thông điệp của Cha Tổng quyền cho Gia đình Hiến Sĩ