OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật Chúa Nhật I – Mùa Vọng Anh em sắp được cứu độ. Tin Mừng Lc 21,25-28.34-36 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” Suy niệm: TỈNH THỨC ĐI VÀO THẾ GIỚI MỚI Thật ngạc nhiên. Ta cứ tưởng trong Mùa Vọng, phải có những bài sách Thánh báo tin Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Nhưng không ngờ những bài sách thánh và đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay lại báo tin Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Tại sao thế? Thưa vì Giáo Hội muốn cho ta hiểu ý nghĩa thần học của việc chờ mong Chúa đến. Hàng năm vào Mùa Vọng, Giáo Hội mời gọi ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi khi sinh ra tại hang đá Bê-lem cách nay hơn hai ngàn năm. Tuy nhiên ta vẫn luôn chờ mong vì Chúa đến hằng ngày với ta. Và nhất là Chúa sẽ đến trong ngày phán xét. Việc Chúa đến lần thứ hai đưa ra những hướng dẫn quan trọng cho cuộc đời chúng ta. Hướng dẫn thứ nhất: Có hai thế giới. Thế giới hiện tại và thế giới tương lai. Thế giới hiện tại sẽ qua đi. Vạn vật có khởi đầu và có kết thúc. Con người có sinh có tử. Đó là định luật tự nhiên. Không chỉ những gì yếu đuối, bé nhỏ mới qua đi. Cả những gì lớn lao, mạnh mẽ, có vẻ bền vững nhất như mặt trời, mặt trăng cũng qua đi. Điều quan trọng nhất là chính ta cũng sẽ qua đi. Khi thế giới này qua đi, một thế giới mới sẽ bắt đầu: thế giới vĩnh cửu. Hướng dẫn thứ hai: Chúa làm chủ lịch sử. Sở dĩ thế giới cũ tan biến đi vì Chúa đã định cho nó một thời hạn. Khi thế giới đến ngày cùng tháng tận Chúa sẽ đến. Quyền uy của Chúa thể hiện qua việc Chúa xét xử thế giới cũ và khai sinh thế giới mới. Sau cảnh tan vỡ kinh hoàng của thế giới cũ sẽ là một khởi đầu mới đem đến niềm hy vọng mới cho con người. Có thể nói thế giới không chấm dứt nhưng biến đổi. Từ một thế giới mong manh mau tàn đến một thế giới vững bền vĩnh cửu. Từ một thế giới tương đối đến một thế giới tuyệt đối. Hướng dẫn thứ ba: Ta tự quyết định vận mệnh đời mình. Thế giới này sẽ qua đi. Thế giới mới sẽ xuất hiện. Ta sẽ bị hủy diệt cùng với thế giới cũ. Hay sẽ được hạnh phúc trong thế giới mới? Điều đó tùy thuộc bản thân ta. Chúa đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng. Thế giới cũ sẽ suy tàn. Nên ai quá gắn bó với nó sẽ khổ sở. Thế giới mới sẽ tới. Ai biết chuẩn bị chờ đón sẽ được hạnh phúc. Phải làm gì? Thưa phải tỉnh thức và cầu nguyện. Tỉnh thức không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau. Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Cầu nguyện để biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới khao khát Chúa đến. Có tỉnh thức cầu nguyện, khi Chúa đến ta mới đứng dậy và ngẩng cao đầu lên. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới gặp được Chúa. Có tỉnh thức cầu nguyện ta mới được vào thế giới mới với Chúa. Tỉnh thức cầu nguyện, ta có thể gặp Chúa ngay bây giờ trong ngày hôm nay. Tỉnh thức cầu nguyện ta sẽ gặp được Chúa trong ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Tỉnh thức cầu nguyện chắc chắn ta sẽ được gặp Chúa trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đón ta vào hưởng hạnh phúc trong một thế giới mới hạnh phúc tuyệt đối và không bao giờ tàn lụi. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến cứu con. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG 1) Chúa đã đến rồi sao ta vẫn còn chờ mong Chúa đến? 2) Chúa làm chủ lịch sử. Bạn có cảm nghiệm về điều này trong đời sống không? 3) Ta phải làm gì để được niềm vui trong ngày Chúa đến? 4) Tỉnh thức nghĩa là gì? 5) Tại sao phải cầu nguyện? ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Nguồn:gplongxuyen.org Canh Thức Để Không Bị Bất Chợt Với Chúa Nhật I Mùa Vọng, chúng ta bước vào ngày đầu tiên của Năm Phụng Vụ mới. Mùa Vọng là thời gian chúng ta hướng lòng về Chúa, mong chờ Chúa đến trong vinh quang: “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21,27). Trong ngày ấy, ngày cánh chung, Thiên Chúa sẽ làm cho mọi sự được biến đổi. Trời đất sẽ rung chuyển khiến cho con người nghĩ rằng ngày cùng tận của thế giới đang đến. Con người sẽ hoang mang trước sự rung chuyển của trời đất. Trong cảnh hoang mang ấy, những ai là con Thiên Chúa, những ai có niềm tin và niềm hy vọng vào Chúa Giê-su: “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28). Trong những ngày ấy sẽ xuất hiện các tai họa vũ trụ (Lc 21,25-28) vì vậy, anh em hãy canh thức (Lc 21,34-36). Hôm nay thánh Lu-ca thuật lại những giáo huấn của Chúa Giê-su tại đền thờ Giê-ru-sa-lem. Thánh Lu-ca đã ghi lại một diễn từ dài của Chúa Giê-su nói về số phận của Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ (xc. Lc 21,8-36) đồng thời Ngài loan báo về những sự kiện sắp xẩy ra báo hiệu ngày cánh chung đang đến. Đoạn Tin Mừng hôm nay được chia thành hai phần: thứ nhất, tiên báo về các tai họa vũ trụ vào lúc tận thế; thứ hai, lời cảnh báo: hãy tỉnh thức. Các tại họa vũ trụ vào lúc tận thế (Lc 21,25-28). Mở đầu bài giáo huấn, Chúa Giê-su nói cho các môn đệ về những xáo trộn trong vũ trụ những đau khổ, tai ương sắp giáng xuống địa cầu. Những xáo trộn của vũ trụ đã xuất hiện ngay ở những trang đầu của Kinh Thánh. Sách Sáng Thế kể lại: vào lúc khởi đầu, mọi sự ở trong tình trạng hỗn độn, và có bóng tối bao trùm vực thẳm. Thiên Chúa đã làm ra mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và biển. Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su cũng nhắc tới mặt trời, mặt trăng và các vì sao, và cho thấy sẽ có một tình trạng lộn ngược so với “lúc khởi đầu”. Các sức mạnh đang giữ cho vũ trụ có trật tự sẽ bị phá vỡ, đảo lộn và vũ trụ sẽ trở về tình trạng hỗn độn trước tạo dựng. Không phải các tinh tú, càng không phải là Thiên Chúa, đã gây ra tình trạng xáo trộn nhưng là do tội con người. Những xáo trộn Chúa Giê-su nói hôm nay có lẽ không nhằm tiên báo về một biến cố lịch sử, nhưng đúng hơn đó là những hình ảnh ẩn dụ miêu tả về ngày cánh chung, ngày kết thúc thế giới và khai mở một thời kỳ mới. Trong văn chương khải huyền, các dấu hiệu Chúa Giê-su nói hôm nay là khung cảnh cổ điển về cuộc phán xét cuối cùng hay một cuộc thần hiện loại này thường kết hợp với sự phán xét của Thiên Chúa (xc. Ed 32,7-8); đồng thời nó báo trước sự xuất hiện của Con Người và thời kỳ cứu chuộc. Theo một trong những truyền thống thiên sai lâu đời, một nhân vật bí ẩn “giống như Con Người” sẽ ngự giá mây trời mà đến. Truyền thống Ki-tô giáo đón nhận truyền thống này và xác nhận “Con Người” mà ngôn sứ Đa-ni-en nói đến chính là Chúa Giê-su. Tác giả Mác-cô và Mát-thêu trình bày chi tiết về các tai ương vũ trụ theo văn chương khải huyền, trong khi thánh Lu-ca lại mô tả nhiều hơn về phản ứng của con người khi thấy ngày cánh chung gần đến (xc. Lc 21,25-26). Như vậy, thánh Lu-ca trung thành với tư tưởng của Kinh Thánh và Chúa Giê-su hơn: tấm bị kịch cánh chung là tấm bi kịch của con người, nhất là những người không tin vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su. Chính trong lúc thế giới đang xáo trộn, Con Người lại xuất hiện để đưa thế giới ra khỏi tình trạng hỗn độn. Biến cố Con Người ngự đến trong ngày cánh chung là lời loan báo cốt yếu của Chúa Giê-su: Chúa Giê-su nhắc đến biến cố này nhiều lần trong các Tin Mừng Mát-thêu, Mác-cô và Lu-ca. Lời loan báo này gợi đến cảnh phán xét trong Đanien 7,13-14, trong đó Con Người đại diện cho “dân các thánh của Đấng Tối Cao”, được ban quyền sau khi đã trải qua các thử thách (xc. Đn 7,18.22.27). Thánh Lu-ca đã loại bỏ mọi hình ảnh khải huyền để tập trung chú ý vào quyền năng và quang của Chúa Giê-su, Đấng chiến thắng sự dữ và là Chúa tể vũ trụ. Các biến cố Chúa Giê-su vừa loan báo thì đáng sợ nhưng các tín hữu của Chúa Giê-su hãy an tâm vì chúng bày tỏ chiến thắng và quyền chủ tể của Thầy Giê-su. Khi thấy những biến cố báo hiệu ngày cánh chung sắp xẩy ra, người môn đệ Chúa Giê-su hãy biết rằng Nước Chúa đang đến gần và đã tới lúc con người được cứu chuộc. Lời cảnh báo kết thúc: hãy tỉnh thức (Lc 21,34-36) Trong đoạn văn cuối, Chúa Giê-su khuyên người môn đệ hãy tỉnh thức thường trực. Người môn đệ phải tránh xa những cám dỗ sống trụy lạc và chè chén say sưa (xc. 1 Tx 5,6-7; Rm 13,13); hơn thế nữa, phải tránh các bận tâm về của cải trần thế là những thứ khiến người môn đệ quay lưng lại với các điều thiện hảo, chân lý. Người môn đệ hãy sẵn sàng, bởi vì “ngày ấy” sẽ xẩy đến bất chợt (xc. 1 Tx 5,3) giống như chiếc lưới của người thợ săn bất tình lình ập xuống trên con mồi (xc. Is 24,17). Tỉnh thức sẵn sàng để chu toàn công việc mà Thầy Giê-su đã giao phó cho các tôi tớ Người và hãy cầu nguyện luôn không được nản chí như Chúa Giê-su đã nhắc nhớ sau khi Chúa phác họa ra “ngày của Con Người”. Bởi, nếu người môn đệ không ngừng hoán cải và quay về với Chúa để thờ phượng Người, để xin Người trợ giúp, trước tiên cho ngày Người ngự đến phán xét thế giới, thì làm sao người ấy lại có thể bị bất chợt bởi cuộc quang lâm của Chúa mà người ấy luôn mong chờ? Người môn đệ có được sự bình an như thế là nhờ luôn trung thành cầu nguyện, tin tưởng vào Chúa, cho nên người môn đệ sẽ có thể đứng vững trong ngày Chúa Giê-su xét xử thế giới. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức để mình không bị sa vào những đam mê trần thế, để có thể đứng vững và ngẩng đầu lên vì chúng ta được Chúa cứu độ. Để được cứu độ mỗi người tín hữu hãy siêng năng cầu nguyện. Lời cầu nguyện chân thật sẽ đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và điều gì đưa chúng ta đến với Thiên Chúa thì không thể tách chúng ta khỏi anh chị em của mình. Chúng ta không viển vông nhìn lên mây xanh nhưng nhìn tới anh chị em chúng ta, những người đau bệnh cần chúng ta giúp đỡ. Chúng ta không nên quá lo lắng về những chuyện sẽ xẩy ra trong ngày cánh chung nhưng hãy quan tâm lo lắng cho những người đang sống chung quanh chúng ta: bố mẹ, an chị em hoặc anh chị em nơi cộng đoàn tu trì chúng ta đang sống. Khi bảo chúng ta hãy tỉnh thức, Chúa Giê-su muốn chúng ta nhìn ra nhu cầu của anh chị em xung quanh chúng ta chứ không bảo chúng ta tỉnh thức để nhìn trời, để canh chừng những biến cố sẽ xẩy ra báo hiệu ngày phán xét đang đến. Thanh Tùng, OMI. Ngày 27 tháng 11 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên