OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật II Phục Sinh – Kính Lòng Thương Xót Của Chúa Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật II Phục Sinh – Kính Lòng Thương Xót Của Chúa Tám ngày sau, Đức Giê-su đến. Tin Mừng Ga 20,19-31 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. Suy niệm: 1. TÌNH THƯƠNG CỦA CHÚA BAO TRÙM TẤT CẢ Kính thưa OBACE, Chúa Nhật II Phục Sinh hàng năm được Giáo hội dành riêng để cử hành trọng thể Lòng Thương Xót Chúa. Trong ngày này, chúng ta được nghe các bài đọc liên quan đến chứng tá đức tin của Cộng đoàn Tiên khởi. Sách Công vụ Tông đồ hôm nay thuật lại rằng “các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giê-ru-sa-lem, nên mọi người đều kính sợ”. Bởi đâu các Tông đồ có được sức mạnh phi thường như thế? Thưa là nhờ quyền năng của Đấng Phục Sinh. Sách Công vụ kể tiếp, ngày họ tụ họp với nhau trong đền thờ để tham gia lễ bẻ bánh; mọi người đều một lòng một ý dâng lời ca tụng Chúa và dùng bữa đơn sơ cách vui vẻ với nhau. Nhờ sự hiệp nhất với nhau trong đức tin, nhờ sự hiệp thông với nhau trong đức cậy, và nhờ sự liên kết với nhau trong đức mến, Cộng đoàn Tiên khởi trở thành mẫu gương cho tất cả các cộng đoàn Ki-tô hữu mọi thời đại. Tiếp theo là chứng tá đức tin của Phê-rô, vị thủ lãnh các Tông đồ. Từ một con người nhát đảm, run rẩy trước cái chết của Thầy và đã chối thầy ba lần, Phê-rô đã bước ra khỏi bóng tối của sợ hãi để làm lại cuộc đời, nhờ ánh sáng của Đấng phục sinh. Điều này được minh chứng cách cụ thể qua lời giảng của ông như được thuật lại trong bài đọc hai hôm nay. Phê-rô đã dõng dạc tuyên bố: Thiên Chúa đã cho Ðức Giê-su Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, thì nhờ lòng từ bi cao cả, anh em cũng hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành cho anh em trên trời. Đây cũng là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta đang sống trong thời kỳ đen tối của Đại dịch Cô-vi. Một Phục Sinh buồn chưa từng có trong thời đại của chúng ta. Nhà thờ đóng cửa, linh mục cử hành thánh lễ một mình, giáo dân hiệp thông qua các phương tiện truyền thông. Buồn hơn nữa, trong dịp Lễ Phục Sinh này Giáo hội vắng bóng nhiều chủ chăn, riêng nước Ý giáo dân không còn thấy mặt hơn 100 vị chủ chăn của họ nữa vì Cô-vi. Trên thế giới biết bao người phải từ biệt cõi đời này cũng vì Cô-vi. Nhiều y bác sĩ cũng phải ra đi,… và lớp lớp người đã từ biệt thế giới này trong nỗi tiếc thương của người thân, bạn bè. Quả là xót xa và đau buồn! Có thể nói con người đang run rẩy vì thấy mình bất lực trước Cô-vi nhỏ bé. Xã hội thảm thương, Giáo hội đau buồn, con người lệ tuôn. Quả thật, nếu loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống, con người chẳng là gì cả; chỉ là hạt cát bé nhỏ giữa đại dương, bị nước cuốn trôi, biết đâu là bến bờ. Hôm nay là ngày đặc biệt kính Lòng Thương Xót Chúa. Đây là dịp để chúng ta nhìn vào tình thương của Chúa. Tình thương ấy có thể chữa lành mọi sự, chữa lành thế giới. Dù tâm hồn con người có tội lỗi ngập tràn, Thiên Chúa vẫn bao dung tha thứ, miễn là con người biết quay về nương bóng tình thương của Ngài. Kính thưa OBACE, Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ, cách riêng với Tô-ma. Chúa đã chữa lành tâm hồn ông, ban cho ông ơn đức tin và sự bình an. Quả thế, ơn của Lòng Thương Xót Chúa không những chữa lành bệnh tật thể xác, mà còn là ơn chữa lành tâm hồn. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng “các ông rút lui vào trong nhà, đóng kín cửa vì sợ người Do-thái”. Điều này cho thấy các Tông đồ hoảng loạn, hoàn toàn mất phương hướng, sụp đổ sau cái chết của Thầy. Nếu như trước đây, các ông hân hoan theo Thầy tiến vào thành Giê-ru-sa-lem bao nhiêu, thì nay, ngày Thầy chịu khổ hình, các ông hoàn toàn suy sụp, thất vọng bấy nhiêu; vì Thầy đã chết, mọi hy vọng chẳng còn, tương lai trở nên mù mịt. Trong tình cảnh đó, Chúa Phục Sinh đã đến để chữa lành vết thương tâm hồn cho các ông. Món quà đầu tiên của Lòng thương xót Chúa đó là Sự Bình An. Chúa hiện ra và nói với các ông: Bình an cho anh em! Đây là ơn các ông cần hơn bao giờ hết lúc này. Ơn bình an sẽ giúp các ông vượt qua sợ hãi, trả lại niềm vui cho các ông. Chúa Phục Sinh đã cho các ông xem tay và cạnh sườn Người để các ông vững tin hơn. Tin Mừng hôm nay diễn tả sự “hồi sinh” của các Tông đồ như sau: Các ông vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Phục Sinh đã cho các Tông đồ được đụng chạm đến chính Người, và Người cũng đã đụng chạm đến tâm hồn các ông, xóa đi nỗi ưu phiền bấy lâu, giúp các ông hồi sinh để sống một cuộc sống mới. Chúa Phục Sinh thổi hơi và ban Thánh Thần cho các ông. Việc thổi hơi khiến chúng ta nhớ lại ngày Thiên Chúa tạo dựng con người và vũ trụ, Người đã thổi sinh khí vào A-đam để ban cho ông có sự sống (St 2,7). Hôm nay, Chúa Phục Sinh cũng đã thổi hơi trao ban Thần Khí cho các Tông đồ để tái tạo và ban cho các ông một tinh thần mới, một đời sống mới. Kính thưa OBACE, Lòng Thương Xót Chúa đã chữa lành tâm hồn Tô-ma và các Tông đồ. Khi nghe anh em kể lại rằng họ đã gặp Đấng Phục Sinh, Tô-ma đã không tin và đòi bằng chứng cụ thể, ông tuyên bố với anh em rằng: Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi chẳng tin. Chúa Giê-su Phục Sinh hiểu thấu tâm hồn và tâm trạng của Tô-ma, nên tám ngày sau, Người lại hiện ra với các môn đệ, cách riêng với Tô-ma. Ngài gọi đích danh ông: Tô-ma! Con hãy đặt ngón tay con vào đây và nhìn xem tay Thầy. Hãy đưa bàn tay ra và đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Với hành động đặc biệt này, sự nghi ngờ trong con người Tô-ma đã tan biến. Trước đây ông đòi kiểm chứng đức tin bằng thực nghiệm, thì giờ đây, ông khiêm tốn tuyên xưng: Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con. Ông hoàn toàn quy phục trước tình yêu của Chúa Phục Sinh, ông tin Ngài đích thật là Chủ, là Chúa của cuộc đời ông. Quả thật, Lòng Thương Xót Chúa gắn kết chúng ta với cộng đoàn Giáo hội. Tin Mừng Gio-an cho thấy, Thiên Chúa hằng tỏ lòng thương xót với tất cả mọi người, và ban ơn cho tất cả những ai quy phục dưới quyền năng của Người. Trường hợp của Tô-ma là một minh chứng cụ thể cho điều này. Ông đã hoàn toàn suy sụp sau cái chết của Thầy. Vì một lý do nào đó ông đã tách mình khỏi cộng đoàn các Tông đồ. Có lẽ ông muốn một mình đi tìm kiếm câu trả lời cho cái chết của Thầy chăng? Khi ông tách mình khỏi cộng đoàn các Tông đồ, tức là tách khỏi Giáo hội, ông đã đánh mất cơ hội gặp Chúa Phục Sinh. Vì không gắn kết chặt chẽ với cộng đoàn các Tông đồ là Giáo hội, nên khi anh em kể lại sự việc, thì Tô-ma không sao chấp nhận được, vì trong đầu ông còn quá nhiều nghi vấn. Chỉ khi ông quay trở về với các Tông đồ, sống tình hiệp thông, hiệp nhất trọn vẹn với Giáo hội, ông được Chúa tỏ lòng thương xót cách riêng, cho ông được thấy Chúa và đụng chạm đến chính Chúa, đụng chạm đến tình yêu của Người. Ông được biến đổi và đức tin của ông được củng cố. Mừng kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay, xin Chúa là Cha nhân từ dủ lòng thương, tha thứ mọi lỗi lầm thiếu sót của chúng ta, chữa lành vết thương tâm hồn của chúng ta. Nguyện xin Lòng Thương Xót Chúa xoa dịu nỗi đau cho thế giới và ban lại ơn bình an cho con người. Nhất là xin Chúa biến đổi lòng trí con người của thời đại hôm nay, xin Người biến chúng ta trở thành sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa qua lời nói và việc làm, cử chỉ và đời sống của chúng ta, để thế giới nhận ra Chúa chính là Thiên Chúa của tình thương. Amen Lm G.B. Nguyễn Quốc Võng, OMI 2. Suy Niệm Tình Yêu Cứu Độ Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD Sau biến cố đau thương của Thầy Chí Thánh Giêsu trên đỉnh đồi Can-vê cũng như cái chết tất tưởi và việc mai táng vội vã trong huyệt đá, đã khiến cho các phụ nữ một đêm thấp thỏm không ngủ được, và đã ra mồ từ sáng sớm để mong được ướp xác Thầy lại cho xứng đáng là nghĩa cử yêu thương. Giờ phút Đức Giê-su tắt hơi thở, cũng chính là lúc các môn đệ, các phụ nữ và Mẹ của Người đã cảm nhận thật sâu lắng về nỗi đau buồn man mác nhớ thương đến dường nào! Sự lo lắng và đau buồn ấy không chỉ nghĩ đến Đức Giê-su mà có lẽ cũng phải nghĩ đến thân phận của kiếp nhân sinh. Đức Giê-su đã chết! Tất cả nghĩ rằng, những phép lạ làm rạng danh cho ta nay đã kết thúc. Tất cả sự thương mến với mỗi người giờ đây không còn. Niềm vui nơi Thầy Giê-su đã chấm hết. Nhưng không, chính Người đã đi trọn con đường theo lệnh truyền của Chúa Cha và đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”(Lc 24,47). Người trở thành con đường Cứu độ và lẽ sống cho chúng ta. Người trở thành niềm vui cho những ai đang khắc khoải kiếm tìm, không chỉ nơi giây phút thử thách đau buồn hiện tại, mà còn niềm hoan lạc của đời sống vĩnh cửu mai sau. Mầu nhiệm Phục sinh là mầu nhiệm của tình yêu Cứu độ. Mầu nhiệm của tình thương hải hà trong việc hiến tế làm giá chuộc cho muôn người (x. Mc 10,45). Mầu nhiệm ấy được diễn tả nơi chính Con Một yêu dấu của Chúa Cha, đó chính là Đức Giê-su Chúa chúng ta: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vì vậy, con người luôn khao khát kiếm tìm chân lý là ơn Cứu độ và Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người để ban ơn Cứu độ. Thiên Chúa trao ban tình yêu Cứu độ Đức Giê-su Phục sinh đem đến niềm vui tràn ngập cho bà Maria Ma-đa-lê-na và các Phụ nữ yêu mến Người, họ đang sống trong sự tuyệt vọng, buồn chán và khổ đau. Đức Giê-su Phục sinh đồng hành với hai Môn đệ trên con đường EMMAU trong nỗi tuyệt vọng của họ. Chính Đấng Phục sinh đã khai trí mở lòng để họ có thể nhận ra Chúa. Người đồng bàn với họ và đọc lời chúc tụng, bẻ bánh. Mắt họ vừa bừng sáng ra và đã nhận ra Thầy sống lại. Lúc này niềm vui vỡ òa, tan biến sự mệt mỏi và buồn chán (x. Lc 24, 25 -32). Đức Giêsu Phục sinh đem đến cho các Môn đệ sự bình an đích thực khi họ sợ hãi và lo âu trong căn phòng kín. Hãy nhận ra Chúa của mình: Thầy đây, đừng hoảng sợ … Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! (x. Lc 24,38.39). Đừng thất vọng, đừng buồn phiền, đừng đi với Thầy như cách suy nghĩ của chúng con nhưng phải nhận ra niềm vui Cứu độ của Thầy và Thầy ở cùng các con mỗi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Đức Giê-su Phục sinh đem đến cho chúng ta tình yêu Cứu độ trong mọi thử thách. Nếu các nhân vật trong Tin Mừng có được niềm vui Cứu độ thì cũng cần trải qua con đường đau khổ, tuyệt vọng, chán nản và lo âu. Thử hỏi ai trong cuộc đời chúng ta không một lần đau thương, ai không một lần bi thảm. Nhưng niềm vui Cứu độ chỉ tìm thấy nơi những ai dám hòa quyện mọi biến cố của mình với biến cố khổ đau của Đức Kitô. Ngang qua, đoạn trích của Thư Phaolô gửi cho ông Timôthê như sau: “Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (2,4). Hay trong sách Isaia đã viết: “Hãy đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6). Thiên Chúa hằng tìm kiếm con người trước, đặc biệt là tội nhân để thi thố tình yêu và ơn Cứu độ. Cũng như Giakêu trèo lên cây sung để được nhìn thấy Đức Giêsu, nhưng ông không biết trước đó rằng, Thiên Chúa đã tìm kiếm ông. Khi đến nơi, Đức Giêsu ngỏ lời với ông: “Ông Giakêu, xuống ngay đi, bởi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà của ông”. Sự viếng thăm ấy, Người đã tuyên bố: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất” (Lc 19,5.10). Con người khao khát tình yêu Cứu độ Dám chắc rằng, khi mỗi người chúng ta tin và phó thác vào Chúa Ki-tô là Thiên Chúa của mình đều được ơn tha tội và ơn tái sinh trong cuộc sống muôn đời: “Trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha mọi tội lỗi” (Cl 1,14). Chính sự mở lòng cho Chúa bước vào mà Người phụ nữ thành Samari được tha tội vì chị đã nhận ra Đức Ki-tô, Đấng sẽ ban cho chị Nước Hằng Sống. Vì thế, chị đã xác tín ra niềm vui Cứu độ: “Tôi biết Đấng Messia, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến” (Ga 4, 25). Đức Giêsu, Con Thiên Chúa quyền năng, không cứu chữa con người qua quyền lực của sự dữ, nhưng Người chọn con đường thập giá để Cứu độ nhân loại. Thiên Chúa muốn chia sẻ thân phận và kiếp khổ đau nhân sinh để đưa con người lên với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương và là niềm vui Cứu độ. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã thúc giục Đức Giê-su sẵn sàng hy sinh mạng sống để Cứu độ chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Thánh Phao-lô đã quả quyết: “Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8). Chúa Giêsu có thể làm được tất cả mọi phép lạ mà chúng ta muốn, nhưng Người đã không làm và không chiều theo thị hiếu của con người. Chúng ta không thể hiểu Người theo ước muốn của mình và lòng tham của người khác, dù biết điều đó hợp ý mình và tốt đẹp đến đâu. Người đã không làm theo ý họ nhưng làm theo ý Thiên Chúa, là Cứu độ trần gian trong ý định nhiệm mầu của Chúa Cha. Biết bao lần trong cuộc đời, chúng ta tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại im lặng trước nhu cầu của con người? Không, Thiên Chúa không im lặng nhưng đang hoạt động với con người và ở với thế giới này trong từng biến cố xảy đến. Ước mong mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa Kitô Phục Sinh và đón nhận thập giá đời mình như là “thách đố” niềm tin và phó thác trong tay Người. “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống" (Lc 20,38). Người sẽ mang theo lời tha thứ và ơn chữa lành:“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con chúc tụng, ngợi khen tình yêu và quyền năng của Chúa. Chúa đã khải hoàn toàn thắng sự chết, là dấu chứng cho sự phục sinh của con người, và là niềm tin, lẽ sống của chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn biết nhận ra tình yêu Cứu độ trong mọi biến cố của cuộc đời. Amen! 3. GẶP GỠ ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH Trong suốt tuần Bát Nhật, từ đêm vọng Phục Sinh tới hôm nay, Chúa nhật II Phục Sinh, các bài đọc đã trình bày cho ta nhiều lần Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra. Từ những lần thấy Đức Ki-tô Phục Sinh hiện ra ấy, các môn đệ đã có những cảm nghiệm sau đây: 1. Cảm nghiệm đầu tiên là, Đức Ki-tô đồng hành với họ trên mọi nẻo đường. Đức Ki-tô Phục Sinh không còn bị giới hạn trong không gian. Người có thể cùng lúc xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Người xuất hiện trong vườn, gần mồ chôn Người. Người xuất hiện bên bờ hồ, nơi các môn đệ đang chài lưới. Người xuất hiện ở làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem một quãng đường dài. Người xuất hiện trong phòng đóng kín cửa, nơi các môn đệ tụ họp. Sau này, Người còn xuất hiện ở mãi tận Da-mas, bên nước Sy-ri-a, nơi Phao-lô lùng bắt người theo đạo. Không gian xa xôi không làm chậm bước Người. Không gian khép kín không ngăn được bước Người. Đức Ki-tô Phục Sinh ra khỏi mồ có mặt trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Đức Ki-tô Phục Sinh cũng không bị giới hạn trong thời gian. Người xuất hiện với Ma-ri-a khi trời còn đẫm sương khuya. Người xuất hiện bên bờ hồ với các môn đệ khi bình minh vừa ló rạng. Người xuất hiện trong phòng tiệc ly ngay giữa ban ngày. Người xuất hiện ở Em-mau khi trời sụp tối. Trong mọi lúc của cuộc đời, Đức Ki-tô luôn có mặt. Không có thời gian nào Người không ở bên ta. Đức Ki-tô Phục Sinh không còn bị giới hạn, trong một cảnh ngộ cuộc sống nhất định. Trong vườn, Người xuất hiện như người làm vườn.. Bên những người chài lưới, Người xuất hiện như một bạn chài chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi của đàn cá. Trên đường Em-mau, Người xuất hiện như một khách hành hương, đồng hành với hai linh hồn buồn bã, e ngại đường xa. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi. Người xuất hiện để soi chiếu niềm nghi ngờ tăm tối của Tô-ma. 2. Cảm nghiệm thứ hai là, Đức Kitô phục sinh khơi dây niềm bình an, tin tưởng. Biết các môn đệ đang buồn sầu, bối rối, bấn loạn sau cái chết của Thầy, Đức Ki-tô Phục Sinh mỗi lần hiện ra, đều chúc các ông: “Bình an cho các con”. Người còn thổi hơi vào các ông và nói: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cử chỉ thổi hơi nhắc cho ta nhớ lại việc sáng tạo. Khi ấy vũ trụ còn là một khối hỗn mang, vô định hình. Rồi Thần Linh Chúa bay là là trên mặt nước. Nhờ đó mọi vật dần dần có hình hài vóc dáng, đi vào trật tự, ổn định. Sau cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, tâm hồn các môn đệ cũng tan nát như một khối hỗn mang, vô định hình. Đức Ki-tô thổi hơi ban Thánh Thần trong một tạo dựng mới, đem lại trật tự ổn định, uốn nắn các môn đệ thành những con người mới, tràn đầy bình an của Chúa Thánh Thần. Sau khi gặp Đức Ki-tô Phục Sinh, Ma-ri-a buồn bã trở nên vui tươi, hai môn đệ Em-mau u sầu tuyệt vọng trở nên phấn khởi, các môn đệ chài lưới mệt mỏi rã rời được hồi phục sức lực, các môn đệ sợ sệt bối rối ẩn núp trong phòng được bình an, Tô-ma nghi nan bối rối được vững niềm tin mến. Đức Ki-tô Phục Sinh chính là niềm bình an cho các ông. 3. Cảm nghiệm thứ ba, cũng là cảm nghiệm quan trọng nhất, Đức Giêsu phục sinh làm cho cuộc đời có ý nghĩa. Sau khi Đức Ki-tô bị hành hình, cả một bầu trời sụp đổ. Các môn đệ tuyệt vọng. Họ sống trong lo sợ, buồn bã, chán chường. Không, họ không còn sống nữa vì cuộc đời đối với họ chẳng còn ý nghĩa gì. Họ như đã chết với Thầy. Chỉ còn nỗi lo sợ, nỗi buồn, niềm tuyệt vọng sống trong họ thôi. Đức Ki-tô là linh hồn của họ. Linh hồn đã ra đi. Xác sống sao được. Khi Đức Ki-tô Phục Sinh trở lại, những xác chết bỗng hồi sinh, những bộ xương khô bỗng chỗi dậy, mặc lấy da thịt, trở lại kiếp người, những trái tim nguội lạnh trở lại nhịp đập, ánh mắt nụ cười lại rạng rỡ tươi vui, vì cuộc sống từ nay có một linh hồn, cuộc sống từ nay có một ý nghĩa. 4. Cảm nghiệm cuối cùng là, Đức Ki-tô Phục Sinh sai họ đi loan báo Tin Mừng Phục sinh. Đức Giê-su Phục Sinh đã biến đổi toàn bộ cuộc đời các môn đệ. Đức Ki-tô Phục Sinh là Tin Mừng lớn lao trọng đại đem lại ý nghĩa cho cuộc đời. Nên các môn đệ không thể không loan báo Tin Mừng lớn lao đó. Ma-ri-a lập tức chạy về loan tin cho các môn đệ, mời Phê-rô và Gio-an đến xem ngôi mộ trống. Hai môn đệ Em-mau lập tức trở về Giê-ru-sa-lem bât chấp trời đã tối đen. Phê-rô chạy bay ra mồ dù còn sáng sớm và còn bị nỗi sợ người Do Thái ám ảnh. Và sau này, Phao-lô, sau khi ngã ngựa, đã trở thành một người loan báo Tin Mừng không biết mệt mỏi. Hôm nay chính Đức Ki-tô Phục Sinh nói với các ông: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Tất cả những người đã thấy Đức Giê-su Phục Sinh đều trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Tất cả các môn đệ đều đã lấy máu mình mà làm chứng cho lời rao giảng. Vì Đức Ki-tô Phục Sinh là một Tin Mừng không thể không chia sẻ. Vì lệnh sai đi của Đức Kit-ô là một lệnh truyền không thể chống cưỡng. Như Thánh Phao-lô sau này đã nói: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Hôm nay Đức Giê-su Phục Sinh cũng đang hiện diện bên ta. Người luôn ở bên ta trong mọi thời gian. Từ buổi bình minh khi ta mới chào đời cho đến lúc mặt trời chói lọi của tuổi thanh niên. Từ lúc xế chiều của đời xế bóng cho đến lúc bóng đêm tuổi già phủ xuống đời ta. Người vẫn ở bên ta trong mọi không gian: trong nhà thờ, nơi trường học, ở sở làm, nơi giải trí, trong gia đình, trong chòm xóm. Người vẫn ở bên ta trong mọi cảnh ngộ vui buồn của cuộc đời. Người ở bên em bé mồ côi đang khóc đòi vú mẹ. Người ở bên em học sinh đang miệt mài đèn sách. Người ở bên cô thiếu nữ đau buồn vì bị tình phụ. Người ở bên chàng thanh niên lạc hướng giữa ngã ba đường. Người ở bên ngững cuộc đời bế tắc không lối thoát. Chỉ cần quay đầu, dừng bước là gặp được Người. Hãy khao khát đón chờ Người. Hãy tỉnh thức lắng nghe tiếng bước chân Người. Bước chân Người rất nhẹ nhàng, không ồn ào. Đừng bỏ lỡ cơ hội gặp Người. Gặp được Người, lòng ta sẽ bình an, linh hồn ta sẽ hồi sinh, cuộc đời ta sẽ sống, sống mãnh liệt, sống phong phú, sống dồi dào. Lạy Đức Ki-tô Phục Sinh, con đang chìm trong cái chết dần mòn. Xin hãy đến và cho con được Phục Sinh với Người. ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 18 tháng 04 Năm 2020 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật VI Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C