OMI VIỆT NAM::Nước mắt Mùa Chay Hiến sĩ Nước mắt Mùa Chay Mùa chay về; cảm xúc buồn bất chợt cũng ùa về nơi phụng vụ. Đó là cái buồn vu vơ với sắc áo lễ tím, cái buồn trống trải của những gian cung thánh thiếu vắng những màu hoa, cái buồn man mác của những bài đọc mời gọi sám hối. Nhưng hơn hết, cảm xúc thú vị nhất là nỗi buồn pha lẫn niềm vui do những giọt nước mắt sám hối đem lại. Đó là nước mắt của người cha già đón đứa con hoang đàng tưởng như đã mất, là nước mắt của chị phụ nữ tội lỗi khóc cho phận mình đến ướt chân Chúa, và là nước mắt của Phê-rô sau khi chối Thầy mình ba lần. Bao nhiêu giọt nước mắt, bấy nhiêu câu chuyện, bấy nhiêu con đường để trở về với Nguồn Tình Yêu. Trong phụng vụ Giáo hội, nước chính yếu được dùng cho việc thanh tẩy, “Xin dùng cành hương thảo, rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền” (Tv 50,7). Trong Thánh Kinh, nước ẩn tàng cái chết bên trong nó, nhưng cũng là thứ chứa đựng sự sống mới của Thiên Chúa. Nước thánh được dùng trong phụng vụ có pha thêm một chút muối với tượng trưng sự không hư nát. Như vậy, qua phép rửa, người tín hữu tiếp nhận sự sống mới nơi Đức Ki-tô Giê-su và đón nhận sứ mạng trở thành muối men cho đời. Trong mùa chay, không có nghi thức phụng vụ sử dụng nước. Thay vào đó, mùa chay mời gọi người tín hữu sử dụng một loại nước khác: nước mắt hối nhân - nước mắt được tuôn ra từ một tâm hồn thống hối. Tuy nhiên, khóc không bao giờ là dễ, nhất là trong cuộc sống bon chen và đầy sự ganh đua ngày nay vì nước mắt thể hiện cái yếu thế của con người. Quả thật, nước mắt giúp con người phòng vệ an toàn. Nước mắt dễ làm mủi lòng nhân thế. Bị tấn công, bản năng của con người là khóc. Nhưng đáp lại lời mời gọi của mùa chay, mỗi người tự nhìn lại hố sâu tội lỗi nơi tâm hồn mình, mỗi người tự tấn công lòng mình thì sao? Đâu có mấy ai dễ dàng khóc được! Khóc như chị phụ nữ tội lỗi dưới chân Chúa, không dễ chút nào! Không dễ không phải vì số lượng nhiều đến ướt chân Chúa, nhưng là vì chị đã khóc bằng chính lòng mình. Nước mắt của chị đã chảy ra từ con tim, chứ không từ tuyến mạc. Như dầu cam tùng nguyên chất (chị mang tới) được ép ra từ những gì tinh túy nhất của cây, nước mắt của chị cũng được ép ra từ nỗi dằn vặt tội lỗi thuộc nơi thẳm sâu nhất trong lòng chị. Vì thế, nước mắt của chị có pha lẫn mùi thơm của “dầu thượng hạng”, mùi thơm của một tấm lòng tan nát giày vò. Chị đã khóc vì được yêu. Hay khóc như người cha nhân hậu khi đón đứa con hoang đàng trở về, cũng chẳng dễ dàng gì. Đâu rồi lòng tự trọng của người cha? Đâu rồi những nỗi đau nhận được khi đứa con trai báo hiếu theo kiểu ngược đời ấy? Đâu rồi những lời đã chuẩn bị để trút giận vào mặt con khi nó về? Tất cả chuyển thành nước mắt rồi, nước mắt của tình phụ tử thiêng liêng, nước mắt của lòng thương xót: giận - buồn - tủi nhưng lại chẳng thể bỏ con. Cái mâu thuẫn chua chát ấy được chuyển hóa thành nước mắt cho ngày hội tụ với con. Ông đã khóc vì yêu. Mùa chay, khóc như Phê-rô trong sân vị thượng tế cũng chua cay lắm: những giọt nước mắt khi khám phá ra sự thật về mình. Ba lần chối Thầy, tuy ít từ ngữ nhưng lại phải tốn nhiều nước mắt để chuộc lại từng lời. Phê-rô khóc không phải để Thầy tha thứ (vì Thầy đã tha thứ trước khi ông phản bội), nhưng ông khóc là để tập tha thứ cho chính mình, khóc để dạy mình đón nhận giới hạn của mình. Nước mắt là nước thanh tẩy lau sạch tấm gương nội tâm để vị tông đồ cả soi mình rõ hơn. Đau, nhưng giá trị! Phê-rô đã khóc vì nhận ra mình. Quả thật, qua mùa chay, Giáo hội mời gọi mở ra những con đường cho Thiên Chúa. Và nước mắt là một trong những con đường hữu hiệu để quay về với Người, vì muốn khóc được thì phải mở lòng ra với Thiên Chúa và với chính mình: mở ra để Thiên Chúa có thể đi vào và để nước mắt có thể tuôn ra. Thế nên, mùa chay này bạn hãy thử khóc một lần, khóc để có cơ hội khởi đầu lại và khóc để nếm thử cảm giác được yêu và đang yêu nhé! FX. Nguyễn Bảo Công. OMI Ngày 21 tháng 02 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Câu chuyện ngắn về các vị tử đạo tại Tây Ban Nha Chúa Nhật XXX – Thường Niên Kỷ niệm Phụng hiến trọn đời (Khấn trọn đời) của Hiến Sĩ Tu Huynh đầu tiên (1834) – 4/6 Di sản của thánh I-giê-ni-ô Mai Thiên Lộc: quảng đại trong hành động Nhớ Về Cha Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ Ngôn Sứ Thầm Lặng Hiến Sĩ Tu Huynh: “Quyền Bính Đích Thực Là Để Phục Vụ” Giới thiệu sách mới: Sách Gióp Viết Cho Người Bệnh