OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật Chúa Nhật II – Mùa Vọng Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tin Mừng Lc 3, 1-6 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng : Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Suy niệm: TÔI SẼ LÀM GÌ ĐỂ ĐƯỢC CÓ CHÚA GIÊ-SU HÀI ĐỒNG? I. NGÔN SỨ CỰU ƯỚC TIÊN BÁO ĐẤNG THIÊN SAI SẼ ĐẾN Br 5,1-9: Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi. Lời tiên tri trên được ứng nghiệm trong hai thời điểm Cựu Ước và Tân Ước. - Thứ nhất, là cuộc hồi hương của con cái Israel từ nơi lưu đày vào năm 538 BC theo chiếu chỉ của hoàng-đế Ba-tư là Cyrus. Cuộc trở về này tuy vui mừng, nhưng không vinh quang huy hoàng như trình thuật diễn tả hôm nay: “Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng”. - Thứ hai, tác giả có lẽ muốn nói tới vinh quang của Israel trong ngày Đấng Thiên Sai ngự đến. Israel phải chuẩn bị để đón Đấng Thiên Sai: Để những điều này xảy ra, con cái Israel phải chuẩn bị tâm hồn, ăn năn sám hối về những lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa, và đặt trọn vẹn niềm tin yêu nơi Ngài. Tác giả viết: “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa”. II. THÁNH GIOAN TIỀN HÔ DỌN ĐƯỜNG CHO CHÚA ĐẾN Lc 3,1-6. Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. 1/ Bối cảnh - Tình hình thế giới: Toàn vùng Cận Đông thời đó đều nằm dưới sự cai trị của đế quốc Rôma, năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberius. - Tình hình nước Palestine: Khi Herode Cả chết, ông chia vương quốc thành 3 miền cho 3 con của ông cai trị: Herode Antipas làm tiểu vương miền Galilee, người em là Philíp làm tiểu vương miền Ituraea và Trachonitis, Herode Archelaus điều khiển miền Judah, cùng với Pontius Pilate làm tổng trấn miền Judah. - Tình hình tôn giáo: Hannah là thượng tế về hưu, nhưng có thế lực rất mạnh. Caiaphas, con rể của Hannah là thượng tế đương quyền; nhưng bị lệ thuộc rất nhiều vào Hannah. Sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, trong thời kỳ đất nước bị chia ba, lại thêm bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo; con dân Israel mong đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng họ khỏi những thế lực này. 2/ Ông Gioan được Thiên Chúa sai đến với dân • Ven sông Gio-đan là địa bàn hoạt động của ông Gioan. Dường như ông làm phép Rửa ở vùng cao Giêricô. Đó là nơi ông Giô-suê ngày xưa dẫn dân ưu tuyển vào đất hứa (Giô-suê có cùng tên với Đức Giêsu và là hình bóng của Ngài). • So sánh Phép rửa của Gioan và Bí tích Rửa Tội: Như các tiên tri trong Cựu Ước, Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân Chúa “trở về” với Thiên Chúa của mình bằng cách đoạn tuyệt với tội lỗi. Điều mới lạ mà Gioan mang lại là đánh dấu cuộc trở về nầy bằng một phép rửa, và chỉ ban có một lần mà thôi, vì án xử của Thiên Chúa đã gần kề (x. Lc 3,7-9.17). Phép Rửa cảu ông Gioan- trong nước, không phải là phép rửa (bí tích) của Kitô giáo - trong Lửa Thánh Thần và có năng lực tha tội (Cv 2,38; 22,16). Nghi thức do ông Gioan đề nghị để tỏ lòng sám hối là một “phép rửa”, đó là sự dìm thụ nhân xuống nước, hình ảnh nói lên sự từ bỏ (x. Mc 1,4). Chúa Giêsu dùng cụm từ “phép rửa” để chỉ sự Thương Khó của Người (x. Lc 12,50: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!”). III. CHÚA ĐÃ VÀ ĐANG ĐẾN TRONG THỜI SAU HẾT 1/ Để nghe được tiếng Chúa, chúng ta được mời gọi sống tĩnh lặng, đi vào sa mạc của tâm hồn “Có tiếng người hô trong hoang địa”. Tin Mừng nói với chúng ta rằng Lời Chúa không nói với Thánh Gioan Tẩy giả trong đền đài Giêrus lem, nhưng trong sa mạc. Sa mạc của tâm hồn là tình trạng tĩnh lặng của nội tâm, không bị nhiễu loạn bởi những quyến rũ của xác thịt, thế gian. Chính trong tình trạng trống rỗng thiêng liêng này, Lời Chúa vang lên thấm nhập vào linh hồn- mầu nhiệm Nhập Thể được hiện tại hóa nơi người Kitô hữu. 2/ Lời Chúa kêu gọi sám hối để được ơn cứu độ Lc 3, 2-3: có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Trong thời đại tục hóa hiện nay, nhiều người chúng ta đã mất ý thức mình là tội nhân? Hôm nay, Lời Chúa, qua Gioan Tẩy giả, mời gọi chúng ta tỉnh thức nội tâm – nhận biết tình trạng của mình: Những lũng sâu của tăm tối, buồn sầu, tuyệt vọng; giả hình, dối trá, bội phản,. Núi đồi trong tâm hồn là thói kiêu căng, tự phụ, bạo lực, dửng dưng. Những đường quanh co chính là sự lươn lẹo, lương tâm không ngay chính. Đường lồi lõm là sự sân hận gây ung thư tâm hồn. Với quyết tâm, kiên trì đổi mới chính mình, chúng ta sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần để thực hiện cuộc canh tân “vĩ đại” trong tâm hồn: Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy; mọi núi đồi, phải bạt cho thấp; khúc quanh co, phải uốn cho ngay; đường lồi lõm, phải san cho phẳng. 3/ Dấu chỉ tâm hồn có Chúa hiện diện Thư thánh Phao-lô, Pl 1,4-6. 8-11, giúp cho chúng ta hồi tâm, nhận biết dấu chỉ có Chúa đang hiện diện tác động nơi người Kitô hữu: - Lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, - Ngày càng được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. - Ngày càng được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm. THỰC HÀNH : SỐNG HIỆP HÀNH TRONG MÙA VỌNG ֍ Hướng về Chúa: Dọn đường cho Chúa đến, bằng tâm hồn cầu nguyện chiêm niệm dưới ánh sáng Tin Mừng, bằng việc năng lãnh nhận bí tích Hòa Giải và rước Thánh Thể. ֍ Bước kế tiếp là mở ra sống cho tha nhân. Vì Con Thiên Chúa - Đức Giêsu Kitô, không đến và ở một mình. Ngài đến trần gian sống với cha Giuse và Mẹ Maria, sống với gia đình Tông đồ. ‘Đức Giê-su Ki-tô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8). Nay, Ngài hằng hữu, luôn sống với những người nghèo nhất, bị khinh bỉ nhất, bị lọai ra khỏi thế giới loài người. Chính Ngài đang hiện diện, và luôn nhắc nhở mỗi chúng ta: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40). Câu Chuyện: CHARLES FOUCAULD ĐÃ LÀM GÌ ĐƯỢC ĐỂ CÓ CHÚA GIÊSU ? Một hôm sĩ quan Charles Foucauld say mê kể chuyện cho gia đình nghe về những cuộc chiến thắng của anh tại Maroc. Người chăm chú nghe nhất là cô gái nhỏ nhứt nhà. Khi nghe cậu lập được nhiều chiến công vĩ đại, cô bé hỏi : - Thế cậu đã làm gì để được có Chúa Giêsu chưa? Charles Foucauld bất động, ngồi không nhúc nhích, anh lục soát trong lương tâm mình chỉ thấy những chiến thắng hão huyền, phù phiếm, khoác lác, ăn chơi và trụy lạc. Mắt anh bỗng mở ra để thấy rõ cái nghèo hèn của mình. Hôm sau anh tìm đến một linh mục Dòng khổ tu, rồi xin đến Nazareth để trọn vẹn theo Chúa Kitô. Một ngày nọ, khi đang cầu nguyện, bỗng anh nghe thấy tiếng than thở của một người đói rét. Charles Foucauld được đánh động bởi tình yêu agape của Chúa Giêsu. Anh nghĩ mình sao có thể ở nơi thanh vắng này cầu nguyện được, đang khi dân nghèo đang đói khát, mơ ước được miếng cơm ? Nghĩ thế rồi, anh quyết định đến giúp đỡ họ, trở thành người bạn của họ, chia sẻ với họ cho đến hơi thở cuối cùng . (x. Góp Nhặt 5, số 104). - Trong Mùa Vọng này, tôi sẽ làm gì để được có Chúa Giêsu Hài Đồng nơi mình? Lạy Chúa, xin ban cho chúng con tâm tình thống hối ăn năn, luôn hướng về Chúa, biết dâng những yếu đuối, tội lỗi của chúng con cho Chúa; xin cất khỏi chúng con tất cả những gì ngăn cản Chúa đến ngự trong lòng chúng con. Amen. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Ngày 06 tháng 12 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên