OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Em con đây đã chết mà nay lại sống (Lc 15,1-3.11-32). Lm. Giuse Nguyễn Văn Cao, OMI ✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này: 11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. 14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa ...’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng. 25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’ 31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy’.” Suy niệm Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Luca phác họa cho chúng ta dung mạo của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Ngài là Cha với trái tim đầy bao dung, luôn rộng mở và đón chào mọi con cái trở về trong vòng tay yêu thương của Ngài. Bên cạnh đó, thánh nhân mời gọi tất cả mọi tín hữu hãy tiến vào trong trái tim Thiên Chúa là trung tâm của tình yêu, nơi họ được quan tâm, bao bọc và dưỡng nuôi. Trong tâm tình hoán cải của Mùa Chay, câu chuyện này mời gọi chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt trong việc tái khám phá dung nhan Chúa Cha, nhận biết Ngài bằng tất cả trái tim của loài người dương thế. Chúa Giêsu tiếp đón những người thu thuế và những người tội lỗi (câu 2), điều này được thánh Luca phác họa như bối cảnh cho câu chuyện. Điều này như muốn nói với chúng ta rằng, chính tình yêu trong tự do có thể là duyên cớ khiến chúng ta xa rời Thiên Chúa bởi sự cứng cỏi của lòng người; tuy thế, cũng chính tình yêu trong tự do ấy thúc đẩy chúng ta trở về với Ngài bởi khát vọng được Thiên Chúa thứ tha. Quả vậy, người con thứ nghĩ rằng mình có quyền thừa kế, và anh đã yêu cầu quyền đó đối với người cha của mình. Người cha đã chia gia tài cho cả hai người con. Người con thứ, sau khi nhận được gia tài, đã bỏ nhà cha mình để ra đi vì nghĩ rằng nơi phương trời xa, anh sẽ được đong đầy niềm vui bởi sự buông thả. Trong vô thức, anh theo đuổi đam mê của mình, anh chỉ chú ý đến việc tìm kiếm niềm vui của những khoảnh khắc chóng qua (câu 13). Nhưng sau đó, anh cay đắng nhận ra rằng sự thật của cuộc sống không như anh nghĩ. Anh phải chăn heo thuê để có thể kiếm sống cho qua ngày. Sự hồi tâm của anh đã xuất hiện ngang qua một khoảnh khắc quyết định khiến anh nhớ rằng mình là con. Trước đây, anh đã rời khỏi nhà để theo đuổi niềm vui. Giờ đây anh khám phá ra rằng, điều anh từng nghĩ sẽ tìm kiếm được ở bên ngoài thì lại chỉ thực sự tìm được khi ở bên trong. Thực tế thì, lý do khiến anh muốn trở về nhà không phải vì tình cảm gia đình nhưng là do nhu cầu căn bản của đời sống hằng ngày (câu 19). Nhưng tiềm ẩn sau lý do đó đến từ nhận thức quyết định, điều thúc đẩy lựa chọn trở về, đến từ ký ức của anh ta. Anh có một người cha và anh đã từng sống trong tương quan gia đình. Nhận thức về việc làm con đã không bị xoá bỏ khi anh rời xa cha mình, khi anh đắm chìm trong lỗi tội. Rõ ràng, ký ức về tình cha con, về sự hiệp thông vẫn còn thì sự chia ly không thể là mãi mãi. Mặc dù, sự ý thức về lỗi lầm, nó giam hãm người ta trong quá khứ; nhưng sự nhận biết về Cha thì mở ra tương lai, nó mời gọi người ta đi vào cuộc hoán cải. Khi người con thứ trở về, câu chuyện thay đổi sự chú ý từ người con sang người cha. Lòng thương xót của người cha không bao giờ ngưng nghỉ trong việc chờ đợi con mình. Ông chạy đến, ôm, hôn liên tục người con thứ trong khi anh này vẫn chưa kịp thưa thốt lời nào ở trong cuộc trở về này (câu 21). Thái độ này của người cha là dấu hiệu cho thấy tình yêu của Chúa thì thật lớn lao vô cùng khi so sánh với bất kỳ sự phản nghịch nào của chúng ta. Đó là đại dương của lòng thương xót, là bầu trời bao dung của tấm lòng người cha. Cách ứng xử của người con trưởng cũng gợi cho chúng ta suy gẫm. Anh vẫn ở nhà! Anh vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người cha giao cho, anh làm việc như một người hầu (câu 29). Anh ở nhà nhưng lại mang trong mình một quả tim chai đá vì tim anh bị lạc nhịp với trái tim của người cha. Anh không hiểu tình thương của người cha. Anh cũng không có lòng thương xót đối với người em của mình (câu 30). Hành vi và thái độ của cả hai người con nhắc nhở chúng ta ý thức và tự đặt câu hỏi: “Điều gì đang diễn ra trong trái tim mình?” Dường như chúng ta thích đi hoang hơn là việc đắm chìm trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta, một tình yêu ôm lấy mọi yếu đuối và bất xứng của con người. Ngài gọi chúng ta là con, và lời kêu gọi này là trường cửu. Mỗi chúng ta cần nhận biết rằng: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta” (Ep 2,4); sự nhận biết này giúp chúng ta có cơ may tìm thấy chính mình và không bị lạc lối trên bước đường lữ hành hy vọng. Xin Chúa ban ơn giúp sức cho mỗi người chúng ta để chúng ta trở thành những người có khả năng đón nhận, làm chứng và loan báo về lòng thương xót Chúa cho những ai đang đói khát sự công chính và niềm vui Nước Trời. Ngày 29 tháng 03 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C Chúa nhật I Mùa Chay – Năm C Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh