OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Lm. Phêrô Hà Thái Hồ, OMI Tin Mừng Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm C (Ga 8,1-11) Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu. Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” --------------------------------------------------------------------- LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA TRỔI VƯỢT HƠN LỀ LUẬT Mùa Chay là thời gian đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Vượt Qua của Đức Kitô. Trong Mùa Chay, các tín hữu được mời gọi sống tâm tình ăn năn thống hối các lỗi lầm đã phạm và quay trở về cùng với Thiên Chúa. Nền tảng vững chắc cho lời mời gọi hoán cải này chính là lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đừng sợ, hãy trở về với Chúa bởi vì chúng ta có một Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương! Chính vì vậy, có thể nói rằng một trong những chủ đề nổi bật được giới thiệu trong suốt Mùa Chay chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, sau bài đọc Tin Mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay nói về việc Đức Giêsu chịu cám dỗ (x. Lc 4,1-13) và bài đọc Tin Mừng Chúa nhật thứ hai Mùa Chay nói về Đức Giêsu hiển dung (x. Lc 9,28b-36), các bài đọc Tin Mừng Chúa nhật Mùa Chay còn lại của Năm C này đều nhấn mạnh đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng Chúa Nhật 3 Mùa Chay, Thiên Chúa, giống như người làm vườn kiên nhẫn với cây vả không ra trái, cũng xót thương và kiên nhẫn với tất cả chúng ta là những tội nhân (x. Lc 13,1-9). Tin Mừng Chúa Nhật 4 Mùa Chay giới thiệu cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa như người cha nhân hậu, luôn mong chờ đứa con hoang đàng trở về để ôm nó vào lòng và khôi phục phẩm giá cho nó (x. Lc 15,11-32). Và trong Tin Mừng Chúa Nhật 5 Mùa Chay tuần này, lòng thương xót của Chúa càng được làm nổi bật hơn nữa. Qua câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình” (x. Ga 8,1-11), chúng ta thấy được lòng thương xót của Chúa không đơn thuần bắt nguồn từ “trách nhiệm” của một người làm vườn hay từ “tình cảm” của một người cha dành cho con cái trong gia đình, nhưng đó là một tình yêu phổ quát, không lệ thuộc vào bất cứ yếu tố nào mang tính con người, lớn hơn tất cả và vượt qua cả giới hạn của Lề Luật. Đoạn Tin Mừng hôm nay kể về cái bẫy mà các kinh sư và người Pharisêu giăng ra để gài Chúa Giêsu: họ lấy cớ là xin ý kiến của Người về việc xử một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình để đặt Người vào tình thế khó xử, buộc Người phải lựa chọn giữa việc thực thi Lề Luật và lòng thương xót. Nếu Chúa Giêsu tuân theo sự nghiêm khắc của Lề Luật, chấp thuận việc ném đá người phụ nữ, Người sẽ mất đi danh tiếng về sự hiền lành và lòng nhân hậu mà Người đang rao giảng. Mặt khác, nếu Người chọn lòng thương xót, Người sẽ phải đi ngược lại Lề Luật, mà chính Người đã từng nói Người không muốn bãi bỏ nhưng chỉ muốn kiện toàn (x. Mt 5,17). Vậy Đức Giêsu đã chọn Lề Luật hay lòng thương xót? Trước sự náo động, nôn nóng chờ đợi câu trả lời của những người kết án, Đức Giêsu thực hiện một hành động bí ẩn trong thinh lặng. Đức Giêsu cúi xuống, lấy ngón tay viết trên đất… Rồi Người ngẩng lên và nói… Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất… Sau khi mọi người đã bỏ đi hết, Đức Giêsu lại ngẩng lên nói với người phụ nữ. Các hành động cúi xuống và ngẩng lên được lặp đi lặp lại hai lần gợi nhớ lại cảnh ông Môsê cũng đã lên xuống núi Sinai hai lần để nhận các bia đá Luật “do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18). Trong khi ông Môsê ở trên núi nhận các bia đá Luật lần thứ nhất thì dân chúng ở dưới chân núi cũng đang phạm tội “ngoại tình” khi họ đúc một con bò vàng và sấp mình thờ lạy nó. Khi xuống núi, ông Môsê đã nổi cơn thịnh nộ, ném các tấm bia đang cầm trong tay và đập vỡ dưới chân núi. Sau đó, ông đã cầu xin Đức Chúa tha thứ cho dân và lên núi một lần nữa để nhận các bia đá Luật mới (x. Xh 32 – 34). Như vậy ngay từ đầu chúng ta đã thấy Lề Luật dường như đã bị phá vỡ cùng lúc với thời điểm nó được ban cho. Sau đó món quà của Luật được ban lại một lần nữa. Điểm kết nối giữa hai tiến trình ban tặng Lề Luật này chính là sự tha thứ cho dân do lòng thương xót của Thiên Chúa. Như vậy, Lề Luật và lòng thương xót của Thiên Chúa đan xen với nhau. Trước thách đố của các kinh sư và người Pharisêu, buộc Đức Giêsu phải lựa chọn một trong hai: hoặc là Lề Luật hoặc là lòng thương xót, Đức Giêsu muốn nhắc nhở họ rằng không có sự tách rời giữa hai đối tượng này. Thật ra, Lề Luật chính là dấu hiệu của lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Tội lỗi không khiến Thiên Chúa hủy bỏ giao ước, nhưng nhắc lại và thiết lập giao ước mới. Đối với Chúa Giêsu, ý nghĩa của việc lặp lại cử chỉ của Người cũng chính là sự tha thứ. Có hai điểm khác biệt đáng lưu ý trong hành động của Đức Giêsu so với những gì đã xảy ra trong đoạn sách Xuất hành mà chúng ta vừa đề cập đến. Thứ nhất, nếu như luật Môsê được ngón tay Thiên Chúa viết trên đá (x. Xh 31,18), thì ở đây Đức Giêsu dùng ngón tay viết trên đất (x. Ga 8,6). Đá thì cứng và những gì khắc trên nó thì khó phai, còn đất thì mềm và những gì viết trên nó cũng uyển chuyển hơn. Đất cũng là yếu tố tạo thành nên con người, Đức Giêsu viết trên đất là hình ảnh tượng trưng cho thấy Lề Luật phải được viết trên sự mong manh, yếu đuối, mỏng giòn của con người. Thứ hai, nếu như ông Môsê lên núi trước rồi mới xuống núi thì ở đây Đức Giêsu hành động ngược lại, Người “cúi xuống” trước rồi sau đó mới “ngẩng lên”. Hình ảnh tượng trưng cho việc Đức Giêsu hạ thế và sau đó được nâng lên trên thập giá. Thập giá là dấu chỉ tuyệt vời nhất minh chứng cho tình yêu và lòng thương xót Thiên Chúa dành cho con người. Sau khi những kẻ muốn kết án bỏ đi hết, Đức Giêsu đã khôi phục trọn vẹn phẩm giá cho người phụ nữ. Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (Ga 8,10). Dịch theo sát nghĩa, Đức Giêsu đã gọi người phụ nữ là “bà”, cùng một từ như Người đã nói với mẹ mình (Ga 2,4; 19,26), với người phụ nữ Samari (Ga 4,21) và như Người đã nói với Maria Mác-đa-la vào buổi sáng Phục sinh (Ga 20,15). Trước mặt Người bây giờ bà không phải là một người phụ nữ ngoại tình, không phải là một tội nhân nhưng đơn thuần là một người phụ nữ như chính bản chất của bà. Đám đông đã không ai nói chuyện với bà, họ sử dụng bà nhưng một công cụ phục vụ cho ý đồ xấu xa của họ. Giờ đây, Đức Giêsu mở lời với bà, phục hồi phẩm giá cho bà như một con người. Chúa Giêsu không nhắc đến một lời nào về tội lỗi của người phụ nữ, thậm chí không nói lời nào có ý lên án, vì Chúa Giêsu đến không phải để lên án, mà là để cứu rỗi. Ngài không phán xét người phụ nữ, nhưng hoàn thiện luật lệ cổ xưa và vượt qua nó, vượt ra ngoài chữ nghĩa của Lề Luật. Lề Luật đóng vai trò thiết yếu như một thẩm quyền có khả năng vạch trần tội lỗi; nhưng sau đó, lòng thương xót phải lên ngôi ngự trị trước tội nhân. Không có bản án, chỉ có lòng thương xót! Nếu không có lòng thương xót, Lề Luật có thể trở thành một phương tiện chỉ để giết chết con người. Đức Giêsu không đề cập đến tội lỗi mà người phụ nữ đã phạm bởi vì ngài đã tha thứ cho bà rồi. Điều quan trọng hơn đối với Đức Giêsu là đưa người phụ nữ đó đến với một cuộc sống mới: “Thôi chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Lòng thương xót của Chúa mang lại tương lai cho tất cả những ai tưởng chừng như không còn hy vọng. Lòng thương xót Chúa yêu cầu các tội nhân quên đi quá khứ để hướng đến một cuộc sống mới. Trong bài đọc I theo sách tiên tri Isaia cũng vậy, Chúa hứa ban tương lai cho con cái Israel đang bị lưu đày tại Babylon bằng cách thực hiện một điều mới mẻ, một cuộc xuất hành mới. Ngài nói: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước” (Is 43,18). Bài trích thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê trong bài đọc II cũng cho chúng ta lời khuyên tương tự: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13). Anh chị em thân mến, những gì xảy ra trong cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người phụ nữ ngoại tình đã cho chúng ta thấy được lòng thương xót vượt qua mọi giới hạn của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta. Nhiều người cho rằng, Đức Giêsu đã quá dễ dàng tha thứ cho người phụ nữ khi mà chúng ta không thấy bất kỳì hành động nào thể hiện sự ăn năn thống hối của bà. Nhưng thật ra trong câu trả của mình, bà đã gọi Đức Giêsu là “Kýrie”: “Không có ai, lạy Chúa" (Ga 8,11), đó đã là một lời tuyên xưng đức tin một cách tuyệt vời. Người phụ nữ ngoại tình không tên trong đoạn Tin Mừng tượng trưng cho tất cả chúng ta, là những kẻ tội lỗi, những kẻ ngoại tình trước mặt Thiên Chúa, những kẻ phản bội lòng trung thành của Người. Xin cho chúng ta cũng tin nhận Thiên Chúa như lời tuyên xưng của người phụ nữ và xin Chúa cho chúng ta luôn nhận ra tấm lòng quảng đại bao dung của Người để rồi chúng ta can đảm thực hiện cuộc hoán cải, quên đi quá khứ và tiến bước trên con đường mới trong tình yêu và ân sủng. Ngày 04 tháng 04 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C Lễ Truyền Tin Suy Niệm Lời Chúa - Thư Tư Lễ Tro Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Maria Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C Chúa nhật I Mùa Chay – Năm C Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh