OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật Chúa Hiển Linh Chúa Nhật Chúa Nhật Chúa Hiển Linh Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Người. Tin Mừng Mt 2, 1 - 12 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi : “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời : “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng : Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.” Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng : “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và một dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. Suy niệm: Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh, có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho muôn dân. Đoạn Tin Mừng thuật lại cho chúng ta hành trình tìm đến triều bái Hài Nhi Giêsu nơi hang đá Bê-lem của các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông xa xôi. Họ là những người đại diện cho tất cả dân ngoại, những người cũng được tình yêu Thiên Chúa bao bộc, ủ ấp. Những biến cố xảy ra xoay quanh cuộc hành trình của những nhà chiêm tinh ngoại giáo có thể mang đến những bài học bổ ích cho hành trình tìm kiếm và bước đi theo Chúa của mỗi người chúng ta. Khởi đầu bằng việc nhận thấy sự xuất hiện của một ngôi sao trên bầu trời, các nhà chiêm tinh đã ra đi theo ánh sao. Sau những trắc trở và khó khăn, cuối cùng họ đã tìm gặp được Vua Giêsu. Nhận thấy sự xuất hiện của một ngôi sao giữa muôn vàn vì sao trên bầu trời! Nghe sao có vẻ viển vông quá. Vậy ngôi sao đó như thế nào mà đã khiến các nhà chiêm tinh liều lĩnh ra đi giữa đêm tối? Chúng ta thấy, ngôi sao đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu nơi các hang đá Giáng sinh. Bên trên các hang đá thường có một ngôi sao lớn, trang hoàng lộng lẫy với những dây đèn màu rực rỡ kéo dài xuống tận nơi Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ. Có lẽ nó phải là một ngôi sao đặc biệt như vậy mới xứng tầm đại diện cho sự xuất hiện của một Vị Vua. Có lẽ nó phải rực rỡ như vậy thì mới thu hút được sự chú ý của các nhà chiêm tinh ở tận phương Đông xa xôi. Phần điệp ca của ca vịnh thứ ba trong Kinh chiều I Lễ Chúa Hiển Linh mô tả ngôi sao dẫn đường các nhà chiêm tinh như thế này: “Ngôi sao sáng chói lòa như ngọn lửa/ cho thấy Chúa là Vua Cả muôn vua, các hiền sĩ thấy vì sao rực rỡ, đến tiến Đại Vương lễ phẩm tôn thờ”. Và trong phần Thánh thi của giờ Kinh sáng Lễ Chúa Hiển Linh thì nói: “Kìa xem điềm lạ ánh sao/ Hào quang rộng tỏa khắp bầu không trung”. Quả thật, nếu như ngôi sao dẫn đường cho các nhà chiêm tinh rực rỡ như ngôi sao bên trên các hang đá Giáng sinh mà chúng ta hay trang trí, hay đó là ngôi sao “chói lòa như ngọn lửa”, “hào quang rộng tỏa khắp bầu không trung” như sách Kinh phụng vụ mô tả thì có lẽ toàn dân Israel và các vùng lân cận thời đó đã cùng nhau kéo đến, quây kín cả hang Bê-lem. Sách Thánh không đề cập đến sự vĩ đại của ngôi sao. Và thực tế là không một ai khác nhận ra sự xuất hiện của ngôi sao ngoài ba nhà chiêm tinh. Vì vậy có thể nói rằng ngôi sao đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh cũng là một ngôi sao nhỏ bé, bình thường thôi. Không chỉ là một ngôi sao bình thường mà nó còn khó thấy nữa. Một ngôi sao thoắt ẩn, thoát hiện, khi tỏ, khi mờ. Các nhà chiêm tinh cũng đã lạc mất nó để rồi họ phải vào cung điện của vua Hê-rô-đê hỏi thăm. Điều quan trọng ở đây là giữa muôn vàn vì sao trên bầu trời, các nhà chiêm tinh đã nhận ra “ngôi sao của Người”. Có thể nói rằng hành trình đi đến hang Bê-lem của các nhà chiêm tinh cũng là hành trình đức tin của mỗi chúng ta. Đối với các nhà chiêm tinh, không phải mọi thứ đều xuất hiện rõ ràng ngay từ đầu. Tin là lần mò đi trong đêm tối, là chấp nhận rủi ro mạo hiểm, là phó thác khi không có gì là chắc chắn. Các nhà chiêm tinh đã lên đường ngay trong đêm tối, mắt hướng nhìn lên bầu trời cao, trung thành bước theo ánh sao. Để tìm gặp được Thiên Chúa, chúng ta cũng cần phải hành động như vậy. Chúng ta cần phải rời khỏi căn nhà của sự an toàn, ấm áp và bước đi trong đêm tối giá lạnh. Chúng ta phải hướng nhìn lên cao, có nghĩa là vượt ra khỏi chính con người mình, khỏi những quyến rũ của thực tại thế gian này. Chúng ta phải dõi theo sự hướng dẫn của Chúa qua những dấu chỉ của thời đại, qua những biến cố xảy đến trong cuộc sống của mình. Hành trình của các nhà chiêm tinh cũng giúp chúng ta nhận ra giá trị của Lời Chúa. Mặc dù họ khởi hành đi theo ánh sao dẫn đường nhưng chính ánh sáng của Lời Chúa mới là điều chính yếu đưa các nhà chiêm tinh tới chỗ Hài Nhi. Không có sự soi dẫn của Kinh thánh, các nhà chiêm tinh đã không thể nào đến được đích điểm của cuộc hành trình của họ. Hành trình theo Chúa của mỗi người chúng ta cũng lệ thuộc hoàn toàn vào Lời Chúa như Thánh vịnh 119 đã khẳng định: “Lời Chúa lả ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người”. Bước vào hang đá tối tăm, ẩm thấp, hôi hám các nhà chiêm tinh đã không một chút do dự hay ngạc nhiên mà “liền sấp mình thờ lạy” Hài Nhi. Một hình ảnh thật khó để chúng ta tưởng tượng. Có lẽ đây là lần đầu tiên họ quỳ lạy trước một trẻ thơ, ở một nơi bần hèn như vậy. Họ đã vượt qua những lý lẽ thường tình của con người để đón nhận trẻ thơ trước mắt mình như là một Vị Vua. Đây là một điều không hề dễ dàng với chúng ta. Chúng ta thường không nhận ra Chúa qua những điều bình thường, nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày. Tôi trông chờ một Thiên Chúa uy quyền đến cứu thoát tôi khỏi những khó khăn đang gặp phải, tôi muốn Chúa chữa lành căn bệnh nan y mà tôi đang đau đớn chịu đựng bằng một phép lạ nhãn tiền… Và nếu Thiên Chúa không đáp lại lời cầu xin của tôi, tôi chẳng tin Ngài. Tôi muốn gặp Chúa qua những biến cố phi thường. Tôi muốn được chiêm ngắm Chúa qua các thị kiến giống như các thánh. Khi nghe có một sự lạ ở nơi nào đó là tôi nhanh chóng tìm đến để khấn vái, để xin ơn. Suy cho cùng, tôi tìm kiếm Chúa để Ngài giúp tôi thỏa mãn các nhu cầu của chính bản thân tôi. Các nhà chiêm tinh không như vậy. Họ đã đến triều bái Vua Giêsu không phải để xin cho bản thân họ bất cứ điều gì mà chỉ để sấp mình thờ lạy và dâng lên Người tất cả những gì quý giá họ có. Sau khi triều bái Hài Nhi, các nhà chiêm tinh đã trở về quê hương của họ bằng một con đường khác. Khi chúng ta được gặp gỡ, được đụng chạm và biến đổi nhờ tình yêu của Thiên Chúa. Hay nói cách khác, khi chúng ta có Chúa trong lòng, chúng ta không còn có thể đi theo con đường cũ nữa. Chúng ta phải trở thành một con người hoàn toàn mới với một nếp sống khác. Để bảo vệ Hài Nhi đang hiện diện trong “hang đá tâm hồn” mình, chúng ta cần phải thay đổi cách sống của mình. Có lẽ chúng ta đã từng gặp được gặp gỡ và đón nhận tình yêu của Vua Giêsu nhưng cũng rất nhiều lần chúng ta trở lại đường cũ. Đêm 24 tháng 12 năm 2024 vừa qua, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chính thức mở Cửa Thánh, khai mạc Năm Thánh cho toàn thể Giáo Hội hoàn vũ với chủ đề: “Những người hành hương của Hy vọng”. Ước gì tất cả chúng ta cùng với các nhà chiêm tinh năm xưa trở thành những người hành hương hướng về Hài Nhi Giêsu. Các nhà chiêm tinh với niềm khát khao gặp gỡ vị Vua mới sinh đã vội vã cất bước lên đường không quản ngại gian khó. Xin Chúa cũng ban thêm cho chúng con sức mạnh và niềm tin để chúng con can đảm bước ra khỏi con người mình, ra khỏi cuộc sống hưởng thụ, bình an giả tạo mà thế gian cung cấp. Xin cho chúng con biết lấy Chúa làm cùng đích của đời mình và không ngừng ra đi tìm kiếm với niềm vui và hy vọng cho đến khi gặp được Ngài. Linh mục Phêrô Hà Thái Hồ, OMI. Ngày 04 tháng 01 Năm 2025 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời Chúa Nhật IV – Mùa Vọng Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên