OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên Đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Tin Mừng Lc 24,46-53 Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.” Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa. Suy niệm: Niềm Hy Vọng Nước Trời. Có nhiều người nghĩ thế giới chỉ bó gọn trong trái đất và con người chỉ thuộc về mặt đất. Nhưng không phải thế. Hôm nay, Chúa Giêsu lên trời là một bằng chứng cho niềm hy vọng của ta. Việc Chúa Giêsu lên trời bảo cho ta biết rằng ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu. Chúa Giêsu về trời là niềm hy vọng cho ta. Mai sau ta cũng sẽ được về trời với Người. Vì chính Người đã hứa: “Thầy đi để dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy”. Chúa Giêsu đã liên kết ta thành một thân thể với Người. Người là đầu. Chúng ta là chi thể. Đầu tiến đến đâu thì chi thể cũng sẽ tiến đến đấy. Chúa Giêsu dạy ta biết rằng ta là con của Thiên Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Con sẽ được ở trong nhà cha mẹ. Chúng ta sẽ được ở nhà Cha trên trời là tự nhiên. Tuy nhiên Chúa Giêsu chỉ về trời sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ Đức Chúa Cha trao phó cho Người ở trần gian. Nhiệm vụ đó là loan báo cho mọi người biết Chúa là Cha yêu thương mọi người. Nhiệm vụ đó là làm chứng về tình yêu thương của Cha đối với mọi người. Hôm nay, trước khi về trời, Chúa Giêsu uỷ thác nhiệm vụ đó lại cho ta. Ta phải tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người. Đem niềm hy vọng đến cho kiếp người. Với niềm hy vọng đó, người Kitô hữu chân đạp đất nhưng lòng vẫn hướng về trời cao. Niềm hy vọng đó giải thoát ta khỏi nô lệ vào mặt đất nhờ đã biết rõ vật chất chỉ là phương tiện sẽ mau chóng qua đi. Niềm hy vọng đó nâng cuộc sống con người lên vì từ nay ta hiểu rằng định mệnh loài người không phải như loài súc vật, nhưng ngang hàng với thần linh. Niềm hy vọng đó đó làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa, vì Chúa tạo dựng nên con người không phải để con người tàn lụi đi theo quy luật của vật chất mà để con người phát triển, tồn tại đến vô biên, không phải bị kết án vào những đau khổ vất vả trần gian, nhưng đã được tiền định hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng. Niềm hy vọng đó cho ta thêm động lực phục vụ tha nhân tận tâm hơn vì đó chính là sứ mang Chúa trao phó. Niềm hy vọng đó khuyến khích ta tích cực xây dựng xã hội tốt đẹp hơn, vì đó chính là điều kiện cho ta được vào Nước Trời. Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn nhiệm vụ ở trần gian để sau này con được về trời với Chúa. Amen. KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG Ham hố tiền bạc, danh vọng, chức quyền, khoái lạc làm đời sống ta nặng nề, không vươn lên cõi tâm linh được. Bạn thấy mình bị nặng nề về ham mê nào? Đời sống là một nỗ lực bay lên cao. Có khi nào bạn cảm thấy mình thoát khỏi những ràng buộc tầm thường để nhẹ nhàng bay lên không? Đời sống là một bổn phạn phải chu toàn. Bạn nghĩ gì về điều này? ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt Nguồn:gplongxuyen.org Lên Trời Với Chúa Bốn mươi ngày sau đại lễ Phục Sinh, Giáo hội Công giáo cử hành lễ Chúa Thăng Thiên. Và lễ Chúa Thăng Thiên vẫn thuộc về mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giê-su, Đấng cứu độ đã vượt qua sự chết và phục sinh vinh hiển. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đệ và dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi Người giơ tay chúc lành cho các môn đệ. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các môn đệ và được đem lên trời (xc. Lc 24,50-51). Trước đây, lễ Thăng Thiên được cử hành chung với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Sau này, Phụng vụ Giáo hội dựa vào bản văn sách Công Vụ Tông Đồ chương 1,3: “Sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa”, để tách lễ Thăng Thiên khỏi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Tin mừng thuật lại: khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ, Người giải thích cho các ông hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua và sai các môn đệ phải nhân danh Người mà giảng rao giảng cho muôn dân. Đồng thời, Chúa hứa sẽ ở cùng các môn đệ luôn mãi. Sau khi truyền cho các môn đệ phải nhân danh Chúa mà rao giảng, Chúa Giê-su lên trời. Bấy giờ, các môn đệ bái lạy Chúa lòng đầy hoan hỷ vì được tận mắt chứng kiến Chúa Giê-su về trời. Vậy Chúa Giê-su lên trời nghĩa là gì? Trước khi về trời Chúa Giê-su trao ban sứ mạng gì cho các môn đệ? Lên trời nghĩa là gì? Khi nghe nói về biến cố Chúa Thăng Thiên, có lẽ chúng ta hình dung ra một cảnh tượng huyền bí, lung linh huyền ảo. Trong cảnh huyền bí ấy, Chúa Giê-su được nhấc lên khỏi đất và đi vào trong đám mây rồi dần dần khuất dạng. Chúa sẽ vào Thiên đình ở nơi có rất đông các Thiên Thần ngày đêm hầu cận. Nghĩ hay hiểu như thế, có lẽ chưa đúng với thần học Ki-tô giáo. Theo thần học Ki-tô giáo, Chúa Giê-su lên trời có nghĩa là Người đi vào vinh quang vốn có trước khi nhập thế làm người. Thực vậy, trong thư gửi tín hữu Philípphê chương II, thánh Phao-lô xác quyết: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7). Như vậy, lên trời đối với Chúa Giê-su không phải là bay đến một nơi nào đó khác thế giới này nhưng là trở lại với vinh quang Thiên Chúa. Trở lại với vinh quang Thiên Chúa không có nghĩa Chúa Giê-su sẽ rời xa chúng ta nhưng ngược lại Người vẫn ở với chúng ta như lời đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chúa Giê-su lên Trời Thăng Thiên là một giai đoạn trong mầu nhiệm Vượt Qua gồm: Thương Khó, Phục Sinh, Thăng Thiên. Đức Giê-su lên trời là để liên kết muôn loài thụ tạo với Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn hiện hữu trong lịch sử loài người. Biến cố Chúa Giê-su lên trời được tác giả sách Công vụ Tông Đồ miêu tả chi tiết, còn các sách Tin Mừng dường như ngụ ý rằng chính lúc Chúa Phục Sinh là lúc Chúa Thăng Thiên, Chúa trở về với vinh quang vốn có trước khi nhập thế. Qua việc miêu tả Chúa về trời, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ muốn đưa ra một số thông điệp. Thứ nhất, không nên cẩn thận đếm số ngày từ Chúa Phục Sinh đến Chúa Thăng Thiên vì theo Kinh Thánh, con số 40 ám chỉ “một khoảng thời gian khá dài”, thường là thời gian chuẩn bị giống như 40 ngày Chúa Giê-su chịu thử thách trong sa mạc. Thứ hai, Chúa Giê-su thực sự rời xa các môn đệ xét về phương diện thể lý; Người không còn hiện diện bằng xương bằng thịt với các như trước. Thứ ba, Chúa Giê-su được tác giả sách Công Vụ mô tả như một vị tiên tri, thậm chí vượt xa mọi tiên tri. Vì vậy, Chúa Giê-su rời bỏ các môn đệ cũng giống Ê-li-a, người được rước lên trời trong một cỗ xe rực lửa, để lại người đồ đệ Ê-li-sa tiếp tục công việc Thầy đã làm. Sứ mạng của các Tồng Đồ sau khi Chúa Giê-su lên trời Chúa Giê-su về trời, Ngài trao ban cho các tông đồ sứ mạng truyền giáo là: “Anh em phải nhân danh Thầy mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (xc. Lc 24,47). “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Khi Chúa lên trời, cũng là lúc các Tông đồ xuống núi, ra đi đến với muôn dân như lời Chúa Giê-su truyền. Các Tông đồ ra đi rao giảng về niềm tin vào Đấng đã chết và đã phục sinh. Vào Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Rao giảng về Đấng vì yêu thương con người nên đã chấp nhận chết và sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Người cũng sẽ được lên trời như Chúa. Khi về trời, Đức Giê-su chỉ cho chúng ta biết mục tiêu của đời sống Ki-tô hữu là gì. Giáo lý dạy chúng ta rằng, cùng đích của đời sống người Ki-tô hữu là hạnh phúc Nước Trời. Vậy, nếu chúng ta xác tín mình thuộc về “trên cao”, thì chúng ta hãy quy hướng cuộc sống về đó. Chúng ta đang sống giữa các thực tại trần thế và sử dụng các yếu tố trần gian để sống cuộc sống này nhưng không được bám víu vào các thực tại ấy, không lấy chúng làm cứu cánh của cuộc đời; trái lại, hãy dùng của cải vất chất trần thế cách tích cực, nghĩa là dùng chúng theo ý muốn của Chúa, mà chuẩn bị cho mình và tha nhân đi vào cuộc sống vĩnh cửu. Trong Hiến Chế về Giáo Hội của Công Đồng Vatican II thì xác quyết: “Giáo Hội trần thế là một cuộc lữ hành về quê hương trên trời”. Vì thế, tuy sống ở đời này, nhưng chúng ta phải lo vun đắp cho hạnh phúc mai sau. Chứ đừng chỉ biết đứng nhìn trời như câu chuyện sau: Anh Công hàng xóm thường khoe khoang về đức tin sâu sắc của mình. Lần kia, một cơn bão dữ dội nổi lên và những cơn mưa như trút nước làm ngập nhà của anh. Một người lính cứu hỏa chạy đến và nói: “Mau chạy đến đây, tôi sẽ đưa bạn đi!” Chỉ tay lên phía trên cao, anh Công kêu lên: “Chúa Giêsu là con đường!” Mưa vẫn tiếp tục rơi xối xả và nước ngập đến thắt lưng anh. Một ngư dân chèo thuyền đi qua và hét lên: “Lên đây đi, tôi sẽ đưa bạn đến nơi an toàn!” Nhìn lên trời cao, anh Công vặn lại: “Chỉ có Chúa Giêsu mới cứu được tôi!” Sau đó, nước mưa dồn dập dâng cao buộc anh Công phải trèo lên mái nhà. Máy bay cứu nạn đến, viên phi công của một chiếc trực thăng bay lơ lửng trên cao hô to: “Tôi sẽ giúp bạn!” Anh Công trả lời: “Tôi chỉ tin cậy một mình Chúa thôi!” Cuối cùng, anh Công chết đuối trong làn nước dữ dội. Trên Thiên Đàng, anh ta phàn nàn với Chúa: “Lạy Chúa, con đã tin cậy Ngài, nhưng Ngài lại bỏ rơi con!” Chúa trả lời: “Không, Ta không bỏ con! Ta đã cố gắng cứu con qua người lính cứu hỏa, ngư dân và phi công! Tại sao con không làm bất cứ điều gì mà cứ nhìn lên trời?” Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng, Chúa Giê-su lên trời nghĩa là Người trở lại với vinh quang thuở ban đầu, vinh quang Thiên Chúa mà Người vốn có trước khi nhập thế làm người. Chúa về trời không có nghĩa là Người rời xa chúng ta, Người về trời nhưng luôn hiện diện và ở cạnh chúng ta để ban ơn giúp sức cho chúng ta. Chúa về trời giúp cho chúng ta thêm xác tín về những giá trị đích thực của Nước trời và hướng tâm trí về trời cao để sống giá trị Nước trời ngay tại thế hầu hy vọng một ngày nào đó chúng ta cũng được đi vào vinh quang Thiên Chúa giống như Chúa Giê-su. Thanh Tùng, OMI. Ngày 28 tháng 05 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên Chúa Nhật XXI – Thường Niên Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật XIX – Thường Niên Chúa Nhật XVIII – Thường Niên Chúa Nhật XVII – Thường Niên Chúa Nhật XVI – Thường Niên Chúa Nhật XV – Thường Niên