OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật IV – Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật IV – Phục Sinh Tôi ban sự sống đời đời cho chiên của tôi. Tin Mừng Ga 10,27-30 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi ; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời ; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một.” Suy niệm: CHÚA CHIÊN LÀNH - CẦU CHO ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC VÀ TU SĨ I. CHÚA GIÊSU LÀ MỤC TỬ DUY NHẤT Lời của ngôn sứ Ezekiel tiên báo chính Thiên Chúa sẽ đến chăn dắt đàn chiên, Ngài là Mục Tử Nhân Lành chăn dắt đàn chiên của mình vào nẻo chính, đường ngay – đường lên Nước Trời:“ Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” (34,15-16). Thật vậy, con người không thể tự sức mình vươn tới Nước Trời, trừ khi Thiên Chúa - Đấng từ trời đến, kéo họ lên. Đấng ấy đã và đang hiện diện - Chúa Giêsu, Ngài là Mục Tử duy nhất của một đàn chiên duy nhất: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy,để ai tin vào Người thì được sống muôn đời (Ga 3, 13-15). Chúa Giêsu chăm sóc đàn chiên, và từng con chiên. Ai là chiên của Chúa Giêsu? Ngài nói với mỗi người chúng ta: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi “(Ga 10,27). II. CHÚA GIÊSU LÀ CHIÊN THIÊN CHÚA “Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ." (Kh 7,16-17) Đàn chiên đang đói, khát, bị lửa dục tình thiêu đốt, cái nóng gian tà thế gian hành hạ. Con Chiên Thiên Chúa đã hiến thân mình làm lương thực thiêng liêng trường tồn cho đàn chiên. Nhờ sức mạnh Thần Khí phục sinh của Chúa, đàn chiên của Chúa chiến thắng ba thù: tính xác thịt; thế gian; Sự Dữ. Và đàn chiên của Chúa sống hạnh phúc muôn đời - nên một với Chúa. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một." (Ga 10,28-30). III. ƠN THÁNH HIẾN - ƠN THIÊN TRIỆU (ơn thuộc về Trời) 3.1 Ơn gọi: Giữa thế gian u tối, còn nhiều người lầm lạc... Thiên Chúa cần những người thợ gặt thông truyền sứ vụ của Chúa Giêsu, Chúa Chiên Lành: công bố Tin Mừng, cử hành thánh lễ, bí tích Hòa giải. Thiên Chúa cần những chứng nhân của Tin Mừng mang lại cho thế giới niềm hy vọng, giúp con người sống và sống dồi đào trong ân sủng Chúa Giêsu - Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6). Vào Chúa Nhật thứ tư Phục Sinh, chúng ta đặc biệt cùng nhau cầu nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều ơn thiên triệu trong Giáo hội, ban cho mọi người tín hữu ơn luôn tỉnh thức và sức mạnh Thánh Thần để đáp trả lời mời gọi nên thánh – thuộc về Thiên Chúa. “Nơi đâu ta càng thấy có nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ, nơi đó người ta đang sống Tin Mừng với sự quảng đại lớn lao” (Đức Phaolô VI, Sứ Điệp truyền thông, 11 tháng 4 năm 1964). Chúa Giêsu mời gọi những người Chúa Cha chọn:“Hãy đến và theo tôi” (Mc 10,21). Và người môn đệ của Chúa luôn ghi khắc và sống theo lệnh truyền của Chúa: “Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13,47) 3.2 Sự đáp trả Chúa Giêsu luôn khao khát ôm chầm từng con chiên. Trên thập giá, Ngài đã thốt lên: “Ta Khát” (x. Ga 19,28). Tình yêu đáp trả Tình Yêu. Lửa Tình Yêu trong tâm hồn con chiên luôn bùng cháy và chỉ khao khát mình Chúa mà thôi: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, này hồn tôi hãy nghỉ ngơi yên hàn. Vì hy vọng của tôi bởi Người mà đến (Tv 62, 6). Ơn gọi linh mục và tu sĩ được nảy sinh từ kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Chúa Kitô, từ một cuộc đối thoại chân thành, yêu thương, tín thác hoàn toàn nơi Chúa. Nhờ đó, họ trở nên người của Chúa, nghe được tiếng Chúa, được ban sức mạnh Thánh Thần dể thi hành ý Chúa. Tắt một lời, người muốn thuộc về Trời, phải lớn lên trong kinh nghiệm về đức tin, được nuôi dưỡng qua đời sống cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể. Họ được Thánh Thần dẫn đưa vào tương quan tình yêu mật thiết, nên một với Chúa Giêsu. 3.3 Hình ảnh cánh chung vinh quang Chúa Giêsu luôn hiện thân nơi những con người nghèo khổ, bệnh tật, thấp hèn để chăm sóc, ban cho họ niềm vui, biến đổi họ trở thành khí cụ của Tin Mừng, dọn đường cho người khác lên Trời. Với một chút tịnh lặng, chúng ta cùng chiêm ngắm một đàn chiên đông đảo đã, đang và sẽ bước vào Thiên Quốc cùng với Con Chiên Thiên Chúa – vị Mục Tử Nhân Lành, hiến mạng vì đàn chiên. Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.Vị ấy bảo tôi: "Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên (Kh 7,9). CÂU CHUYỆN: BẠN TRẺ CÙI ROBERT NAOUSSI “DỌN ĐƯỜNG LÊN TRỜI” CHO NGƯỜI KHÁC - (Ngọc Yến -Vatican News) Robert Naoussi sinh năm 1947 ở Cameroon trong một gia đình nghèo, với người cha đa thê. Năm 7 tuổi Robert xin được rửa tội từ một linh mục truyền giáo ở trong làng. Lòng nhiệt thành của cậu bé làm mọi người xung quan ngạc nhiên. Robert mơ được vào chủng viện nhưng người nhà anh phản đối. Sau đó Robert được gửi đến một trường học xa nhà, và ở lại đó với người dân địa phương. Buổi sáng khi không có đủ thức ăn, Robert thường nhường phần của mình cho người khác và để bụng đói đến trường. Robert bắt đầu nhiễm bệnh phong cùi khi khoảng 16-17 tuổi. Đối với Robert, đây là một thử thách nặng nề vì anh đã có những kế hoạch đẹp cho cuộc đời. Vào tháng 5/1969 anh được đưa đến trại phong Dibamba. Bực mình khó chịu về điều này, Robert hỏi cha tuyên uý tại sao lại là chính anh phải ở đây. Cha trả lời rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có câu trả lời cho anh. Trong ba ngày, anh cầu nguyện, không ăn, không uống, không ngủ. Cuối cùng anh hiểu. Anh nói: “Tôi ở đây để anh chị em tôi biết Chúa Giêsu”. Một nữ tu làm việc ở trại phong làm chứng: “Từ đó về sau không bao giờ anh than phiền nữa. Lời thưa xin vâng của Robert như lời thưa xin vâng của Đức Mẹ, một lời xin vâng dứt khoát, trọn vẹn và với niềm vui”. Trong đau đớn này, anh cầu nguyện cho những người khác và vui vẻ đón tiếp những ai đến gặp anh. Cha Raymond đã đọc cho anh nghe cuộc đời của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Đối với người trẻ bị bệnh phong cùi, đây là một mặc khải vì qua câu chuyện của thánh nữ anh hiểu rằng anh có thể trở thành nhà truyền giáo với những đau khổ của mình. Anh nói: “Bạn bè của tôi không biết Chúa Giêsu, tâm hồn họ thường hay buồn rầu. Tôi sẽ dâng hiến cuộc sống tôi vì hạnh phúc của họ. Căn bệnh tôi đang mang là công cụ làm việc để dọn đường lên thiên đàng cho người khác”. Robert đã dạy rằng đau khổ không phải là điều xấu như có nhiều người ở châu Phi nghĩ. Đau khổ không còn là gánh nặng nếu người ta biết chấp nhận nó. Ngày 01/10/1970, giữa đêm tiếng chuông của trại phong Dibamba ở phía tây của Cameroon vang lên thật lớn. Bên ngoài, các bệnh nhân ca hát. Ở tuổi 23, Robert Naoussi vừa phó dâng linh hồn cho Chúa. Sau này, cha Raymond người đã đồng hành với bạn trẻ bị phong cùi viết “Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đến đón Robert”. Một niềm hoan hỉ như tất cả những gì Robert đã gieo ở đây, nơi sự bình an không thể giải thích được vẫn còn ngự trị cho đến ngày nay. Chín anh chị em của Robert đã được rửa tội sau khi anh qua đời. Ngày nay, phần mộ của anh đã trở thành nơi hành hương. Từ nơi này nhiều người đã được ơn hoán cải và chữa lành bệnh tật. Một trường truyền giáo được thành lập vào năm 2005 cũng đã mang tên anh. Cuối tuần, nhiều người hành hương đến mộ của anh. Trong số này có nhiều người trẻ của trường truyền giáo “Robert Naoussi” được thành lập vào năm 2005 theo cảm hứng của người cùi trẻ và mục tiêu của trường là học cách biến đau khổ trở thành một công cụ loan báo Tin Mừng. Cha Patoum, vị sáng lập phong trào quy tụ khoảng 50 người giải thích: “Hoạt động chính là cầu nguyện, đặc biệt là thờ lạy Thánh Thể”. Ảnh hưởng của Robert vượt ra ngoài biên giới. Yêu mến tinh thần của Robert, một giảng viên thần học ở miền đông nước Pháp Michèle Atlmeyer đã cố gắng truyền cảm hứng này cho các sinh viên, bằng cách cho các bạn trẻ xem video về cuộc đời của Robert khi 20 tuổi. Giáo sư nói: “Hiện nay các thanh thiếu niên không bị bệnh phong như Robert, nhưng các em bị các loại bệnh phong khác, các dạng nghèo đói khác, trong đó có cả việc không biết Chúa, thường thiếu sự nâng đỡ từ đức tin. Khi giới thiệu Robert cho các bạn trẻ, chính người trẻ này đã dọn đường cho nhiều sinh viên của tôi”. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Người Mục Tử Đẹp Ngày nay sự ồn hối hả, ồn ào, náo nhiệt... của thế giới đã làm cho con người khó nhận ra tiếng nói của nhau. Người Kitô hữu chúng ta sẽ không dễ nhận ra tiếng Chúa nếu chúng ta cứ mãi chìm sâu trong vòng xoáy của những ồn ào, của những thú vui cuộc đời. Hôm nay là dịp thuận tiện để chúng ta suy niệm về người mục Tử Nhân Lành Giê-su. Đồng thời, chúng ta hãy xét lại bổn phận của chúng ta là những con chiên đối với vị mục tử của mình và một cách nào đó chúng ta cũng được mời gọi trở thành mục tử đối với anh chị em chúng ta. Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành Ở đất nước Do-thái, hình ảnh người mục tử và đoàn chiên là hình ảnh quen thuộc và gần gũi với mọi người. Người mục tử luôn đi trước và chiên theo sau. Các con chiên luôn nghe và làm theo sự hướng dẫn của người chăn chiên. Vì là chủ của đoàn chiên nên người mục tử biết rõ từng con chiên: chiên nào mạnh khỏe, chiên nào đau bệnh. Người quan tâm chăm sóc hết mọi con chiên: chiên nào đau yếu sẽ được người mục tử chăm sóc đặc biệt, chiên nào đi lạc người mục tử sẽ đi tìm. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Như vậy, Chúa Giê-su nhận mình là người mục tử, người chăn chiên. Chúa Giê-su là người mục tử hoàn toàn khác so với những mục tử khác; khác ở chỗ: Ngài biết rõ từng con chiên và cách “biết” của Chúa cũng khác với cách biết của con người. Chúa Giê-su biết chiên cách tỏ tường giống như Thánh Vịnh 139 diễn tả: “Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả” (Tv 139,1-2). Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành, biết từng con chiên trước khi chiên biết người mục tử. Chúa Giê-su biết chúng ta trước như Ngài biết Na-tha-na-en trước khi ông đến trình diện Chúa (xc Ga 1,48). Chúa Giê-su biết rõ chúng ta như Ngài biết rõ tình trạng bệnh của người phụ nữ bị bệnh băng huyết trước khi bà chạm vào Chúa (xc Mc 5, 24-35). Chúa biết chúng ta như Ngài biết rõ ông Gia-kêu khi ông đang ngồi trên cây sung (xc. Lc 19,1-10). Ngài thấu suốt mọi suy nghĩ, tư tưởng của chúng ta như Ngài biết những tư tưởng của các kinh sư (xc. Mc 2,1-12). Chúa Giê-su biết để tha thứ, biết để chữa lành, biết để chỉ dạy, biết để quở trách và sửa sai khi con chiên sai lỗi. Thật vậy, Chúa Giê-su đã tha thứ tội lỗi cho Gia-kêu. Chúa Giê-su cứu chữa người phụ nữ bị bệnh băng huyết 12 năm. Chúa Giê-su chỉ cho Na-tha-na-en phương thức để được cứu độ. Chúa Giê-su quở trách, sửa sai các kinh sư và giúp họ quay về nẻo chính đường ngay. Chúng ta là chiên của Chúa Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta trở thành con của Chúa, con của Giáo hội. Chiên thì phải nghe người mục tử như Chúa Giê-su nói trong Tin Mừng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Vậy chúng ta có thể nghe tiếng Chúa ở đâu? Tiếng của Chúa được các tác giả ghi lại trong Kinh Thánh, nơi huấn quyền của Giáo hội, nơi thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người. Nghe tiếng Chúa nói để làm gì? Nghe Chúa để đi vào mối tương giao thân tình với Người, và nhất là để tin vào Người. Thánh Phao-lô viết: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Nghe Chúa để được Chúa dẫn vào đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát là Thiên đàng vì chủ chiên Giêsu chính là Sự Thật và là Sự Sống, là Đường dẫn chúng ta tới Thiên đàng. Người không những ban cho chúng ta sự sống đời đời mà còn bảo đảm sự sống ấy chắc chắn không thể mất được. Trong cuộc sống có lúc nào chúng ta không nghe Chúa không? Thưa có, chúng ta không nghe tiếng Chúa khi chúng ta làm điều sai trái, lỗi phạm lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Chúng ta không nghe tiếng Chúa khi không vâng theo những chỉ dạy của Đức Giáo hoàng, của Giám mục và linh mục là những mục tử chăn dắt chúng ta. Chúng ta không nghe tiếng Chúa khi sống đố kỵ, ghen ghét anh chị em, không muốn anh chị em hơn mình. Đây cũng là thái độ của người Do-thái xưa được tác giả sách Công vụ Tông Đồ nói trong bài đọc I: khi thấy nhiều người Do-thái theo đạo và nhiều người tôn thờ Thiên Chúa, người Do-thái bực tức hai ông Phao-lô và Baraba. Họ phản đối những lời ông Phao-lô dạy và nhục mạ ông. Họ tìm cách trục xuất thánh Phao-lô và ông Baraba ra khỏi lãnh thổ của họ. Nhìn vào thực tế, có những lúc chúng ta cũng giống người Do-thái xưa khi chúng ta phản đối hoặc lên án lời giảng dạy của linh mục, thậm chí muốn trục xuất các ngài khỏi giáo xứ. Khi sống như thế, chúng ta không còn là chiên của Chúa nữa mà là dê hay là sói. Mỗi chúng ta hãy là mục tử của người khác Chúa Giê-su, vị mục tử nhân lành, luôn yêu thương, chăm sóc và dẫn chúng ta tới đồng cỏ xanh, dòng suối mát, tới sự sống muôn đời. Và ngài mời gọi mỗi chúng ta hãy học nơi Ngài và trở thành mục tử cho anh chị em chúng ta. Là mục tử, chúng ta có bổn phận, trách nhiệm biết rõ tên và tình trạng của mọi thành viên trong gia đình. Là mục tử, chúng ta có bổn phận và trách nhiệm yêu thương, quan tâm chăm sóc tận tình cho các thành viên trong gia đình khi họ ôm đau, bệnh tật. Là mục tử, chúng ta phải biết rõ mọi thành viên trong hội đoàn, giáo xứ chúng ta sống, và quan tâm giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn, đau bệnh. Có một câu chuyện kể rằng: trong một trận chiến ác liệt ở biên giới đất nước hàn quốc, có một người lính bị thương rất nặng và đang hấp hối. Anh ta xin được gặp một linh mục để xưng tội và lãnh các bí tích. Các bác sĩ quân y và thủ trưởng đơn vị không biết làm cách nào để tìm cho anh lính một vị linh mục. Họ bàn luận với nhau để xem làm cách nào tìm được một linh mục cho anh lính. Đang băn khoăn lo lắng, các bác sĩ bỗng nghe thấy một người lính đang bị thương nằm gần đó lên tiếng: “Tôi là linh mục”. Các bác sĩ nhìn người lính vừa lên tiếng và nói: anh đang bị thương rất nặng và không thể di chuyển, nếu anh di chuyển sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vị linh mục tuyên úy đáp lại: linh hồn của anh lính kia đáng giá hơn một vài giờ sống của tôi. Nói xong, vị linh mục tuyên úy bò đến cạnh anh lính kia và nghe anh ta xưng tội và ban các bí tích cho anh ta. Khi thi hành sứ vụ mục tử xong, vị tuyên úy chết cùng với người lính kia vì ngài bị mất máu quá nhiều. Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn thiên triệu. Chúng ta nài xin Chúa ban cho nhiều người trẻ dám quảng đại dâng hiến đời mình cho Chúa. Cuộc sống hôm nay có nhiều lôi kéo khiến người trẻ dần dần mất khả năng phân định, mất hướng sống và chỉ lo sao thành đạt về công danh, thành công về vật chất, chứ không lo cho mình thành nhân và nhất là thành con hiếu thảo của Chúa. Còn mỗi người chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa và bước theo Người, bằng cách thực thi những điều Người truyền dạy, nhờ đó, chúng ta xứng đáng là những con chiên ngoan hiền bước đi theo sự dẫn dắt của vị mục tử tốt lành là chính Đức Kitô, là các Giám mục, linh mục. Thanh Tùng, OMI. Ngày 07 tháng 05 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C