OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật IV – Mùa Chay Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật IV – Mùa Chay Anh mù đến rửa ở hồ Si-lô-ác và khi về thì nhìn thấy được. Tin Mừng Ga 9, 1-41 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ hỏi Người : “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?” Đức Giê-su trả lời : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng ; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.” Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta : “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói : “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” Có người nói : “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng : “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi !” Còn anh ta thì quả quyết : “Chính tôi đây !” Người ta liền hỏi anh : “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ?” Anh ta trả lời : “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.’ Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” Họ lại hỏi anh : “Ông ấy ở đâu ?” Anh ta đáp : “Tôi không biết.” Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời : “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói : “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát” ; kẻ thì bảo : “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù : “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp : “Người là một vị ngôn sứ !” Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi : “Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?” Cha mẹ anh đáp : “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó ; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Vì thế, cha mẹ anh mới nói : “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.” Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo : “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” Anh ta đáp : “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều : trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được !” Họ mới nói với anh : “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” Anh trả lời : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” Họ liền mắng nhiếc anh : “Có mày mới là môn đệ của ông ấy ; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê ; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” Anh đáp : “Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! Chúng ta biết : Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” Họ đối lại : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?” Rồi họ trục xuất anh. Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : “Anh có tin vào Con Người không ?” Anh đáp : “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” Đức Giê-su trả lời : “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói : “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. Đức Giê-su nói : “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !” Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng : “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?”Đức Giê-su bảo họ : “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : ‘Chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn !” Suy niệm: Tin Mừng Chúa nhật tuần trước mặc khải Chúa Giê-su là nước hằng sống, Tin Mừng hôm nay mặc khải thêm Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian. Chúa Giê-su là ánh sáng muôn dân (Lumen gentium). Đây là một chủ đề lớn, được chọn làm tựa đề cho một hiến chế của Công Đồng Vaticanô II. Ánh sáng của Chúa soi thẳm lòng người. Giúp con người nhìn ra ánh sáng của con tim, giúp con người tìm đến Ơn cứu độ. Có những người mù lòa về thể xác, nhưng với lòng tin tưởng phó thác, đã nhìn được ánh sáng này. Ngược lại, có những người tự phụ rằng mình sáng suốt lại chẳng nhìn ra ánh sáng của Chúa. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy nhiều gương mặt khác nhau, nhiều mức độ mù lòa khác nhau. Khi Chúa Giê-su gặp một người mù từ khi mới sinh. Một môn đệ hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?”. Nhiều người Do-thái thời Chúa Giê-su cho rằng, tất cả những bệnh tật nơi con người là do tội, tội của người đó hoặc cha mẹ người đó. Quan niệm này đã dẫn đến xu hướng cho rằng, những người lành lặn bề ngoài là những người công chính, không mắc tội trong tâm hồn. Đây là một quan niệm rất sai lầm, bởi vì nó vừa không đúng, vừa dẫn tới sự bất công: khi một người đạo đức thánh thiện, không may mang một căn bệnh nơi thân xác, thì người này không những không được cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ, mà còn bị kết án, khinh dể, xem thường, bị coi là thứ tội lỗi. Trái lại, một người trong lòng đầy mưu mô, hiểm độc, làm nhiều điều bất chính nhưng vì thân xác bên ngoài lành lặn, nên vẫn được xem là người đạo đức, thánh thiện. Quan điểm tôn giáo này hoàn toàn sai lầm, vì chỉ dựa vào hình thức bên ngoài, chỉ dựa vào sự phán đoán của loài người, mà không đi theo ơn soi sáng của Thần Khí Chúa. (Bài đọc 1 sau đây cho chúng ta hiểu rõ điểm này): Trong bài đọc 1, Đức Chúa muốn ban cho dân Do thái một vị vua mới, bởi vì vua Saul không đẹp lòng Đức Chúa. Vua trị vì đất nước theo ý riêng, không theo thánh ý Chúa, nên Chúa đã bỏ ông. Chúa đã chọn một người trong số các con của Gie-sê. Ban đầu, Sa-mu-en tưởng rằng Chúa sẽ chọn Ê-li-áp! Nhưng Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” Đức Chúa chọn tâm hồn, chọn bản chất bên trong của con người. Chúa đã chọn Đa-vid một người bé nhỏ, là con út của Gie-sê. Bài đọc một nhắc nhở chúng ta ý thức về giới hạn của mình, và mời gọi chúng ta xác tín vào ân ban của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta hãy cố gắng sống ngay thẳng với tâm hồn trong sạch, để được Thiên Chúa tuyển chọn chúng ta vào Nước hằng sống. Chúa Giê-su đã trả lời cho người môn đệ biết tại sao người kia lại bị mù? Chúa Giê-su nói: Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Đức Giê-su muốn mặc khải cho chúng ta biết chính Ngài là ánh sáng thế gian. Chính Ngài sẽ chữa trị sự mù lòa cả thể xác lẫn mù lòa trong tâm hồn con người. Khi Đức Giê-su mở mắt cho người mù từ khi mới sinh, rất nhiều người ngỡ ngàng và thắc mắc. Tại sao người mù lại nhìn thấy được? Làm thế nào người mù lại hết mù? Đây là điều chưa từng xẩy ra ! chưa một ai có thể mở mắt cho người mù từ khi mới sinh ! Mặc dù người được chữa lành đã trả lời rất rõ ràng: anh nói, người có tên là Giê-su đã trộn một ít bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: “anh hãy đến hồ Si-lô-ê mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy được.” Nhưng người Do-thái không chịu tin, cứ hỏi đi hỏi lại. Sự đa nghi của người Do-thái cho thấy họ chưa yêu mến Đức Giê-su. Người Do-thái còn nêu ra một lý do nữa để không chịu tin, đó là vì Chúa Giê-su chữa bệnh vào ngày Sa bát. Mấy người biệt phái nói: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sa bát”. Mấy kẻ khác lại rằng: “Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?” Ánh sáng của Ngôi Lời đã chiếu sáng trong tâm hồn họ, để họ hiểu rằng một người tội lỗi không thể làm được những phép lạ thể ấy. Lẽ ra họ phải biết rằng, người đó phải bởi Thiên Chúa mà đến. Nhưng họ đã không đi theo ơn soi sáng của Thần Khí, mà họ lại để cho những thành kiến, ghen tỵ xâm lấn tâm hồn họ. Có người còn cố tình xuyên tạc, và cho rằng một người khác giống với người bị mù, chứ không phải người mù thực sự được chữa lành. Những người Do-thái còn cho gọi cha mẹ anh mù tới để xác nhận người đó có đúng là con của họ không, và cha mẹ người đó đã xác nhận đó là con của họ, cháu bị mù từ khi mới sinh. Rõ ràng, những người Do thái đã cố gắng tạo ra những áp lực để người mù đã được chữa lành không tin vào Đức Giê-su. Đây là một sự toan tính, một sự cố tình của những người Do thái, không muốn nhìn nhận sự thật nơi Đức Giê-su, mặc dù phép lạ đã rất rõ ràng. Trong đầu các người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô. Đây là một thành kiến, một sự mù quáng của người Do thái. Thay vì họ phải tôn vinh Thiên Chúa nơi Đức Giê-su, phải tin nhận Ngài là Đấng Ki-tô, thì họ lại ghen tỵ vì Đức Giê-su làm được phép lạ, còn họ thì không, và còn âm mưu hại Đức Giê-su. Những người Do thái còn muốn biết quan điểm của người mù về Đức Giê-su như thế nào? Họ hỏi anh: “Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh mù đáp: “Ðó là một tiên tri”. Người mù về thân xác lại nhìn thấy ánh sáng của Ngôi Lời, còn những người sáng mắt lại mù lòa. Những người Do-thái còn cố tình châm biếm anh mù đã được Chúa cho sáng mắt, họ bảo anh: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”. Anh ta trả lời: “Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy” Người Do thái còn nói với người trước đây bị mù: Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến”. Anh mù đáp: “Ðó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nếu không bởi Thiên Chúa thì làm sao người đó thực hiện được phép lạ cả thể ! Người mù đã được chữa lành còn nói với những người Pharisiêu: chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì”. Họ bảo anh ta: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?” Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài. Những lời anh mù nói về sự thật: “tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù, và bây giờ tôi trông thấy” và “Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì” Sự thật đó đã làm cho những người Do thái không thể phủ nhận. Với sự thật đó, lẽ ra những người Pharisiêu phải nhìn nhận Đức Giê-su là Đấng Méssia mà tiên tri Isaia đã tiên báo. Nhưng họ vẫn cố chấp và tìm cách bịt miệng người mù: “Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?”. Họ đã tự cho mình cái quyền kết án người khác, và họ kết án cả Đức Giê-su. Họ nói với người mù: Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi”. Không biết họ căn cứ vào đâu để kết án Đức Giê-su? Nếu chỉ dựa vào việc Chúa chữa người mù vào ngày sabbát thì quả là một sai lầm, vì ngày sabbát là ngày đặc biệt để thực thi Lời Chúa truyền dậy. Chúa nói: ngày sabbát được làm điều lành hay điều dữ, được cứu người hay giết người? Lề luật của Thiên Chúa đặt nền tảng trên sự yêu thương ! Việc cứu chữa một người bị mù là điều cần thiết và là giới răn yêu thương Chúa dậy. Sự mù lòa thể xác đã rất tai hại. Sự mù lòa tâm hồn còn tai hại hơn. Sự mù lòa thể xác làm cho con người không xác định được đường đi nơi trần thế. Nhưng sự mù lòa tâm hồn lại làm cho con người không tìm thấy con đường chân lý dẫn tới sự sống đời đời. Những người Do thái đã đến rất gần chân lý, họ nói: “ một người tội lỗi sao có thể làm được những phép lạ như vậy?” nhưng vì kiêu ngạo, ngoan cố, nên họ không đến được với ánh sáng vĩnh cửu là ơn cứu độ con người. Còn người mù về thể xác lại nhìn thấy con đường dẫn họ đến hạnh phúc đích thực. Ngày nay, sự cứng lòng không tin vẫn còn bao phủ tâm hồn nhiều người. Sự cố chấp bao biện, xuyên tạc vẫn thường trực, đe dọa đời sống của người tín hữu. Sự đổi trắng thay đen vẫn đang cám giỗ con người. Trong bài đọc 2; Thánh Phao-lô khuyên bảo các tín hữu hãy từ bỏ nếp sống cũ, nếp sống giả dối, mù quáng, tội lỗi để được làm con cái ánh sáng. Nguyên nhân dẫn đến sự mù lòa chính là sự cố chấp, kiêu căng, tự mãn. Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm tốn, thành tâm sám hối. Đặc biệt, luôn biết trung thành bước đi theo ánh sáng chân lý Chúa. Xin ánh sáng chân lý Chúa chiếu soi tận tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta nhận ra những lỗi lầm thiếu xót của mình và canh tân đời sống, để chúng ta đến được với ánh sáng vĩnh cửu là ơn cứu độ con người. Amen. Linh mục Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 15 tháng 03 Năm 2023 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật Phục Sinh - Năm C Chúa Nhật II Phục Sinh - Năm C Thánh Lễ Tiệc Ly – Thứ Năm Tuần Thánh Suy niệm về Thứ Sáu Tuần Thánh Thứ Sáu Tuần Thánh - Sống đối diện cái chết để làm trỗi dậy sự sống Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C Chúa Nhật V Mùa Chay - Năm C Chúa Nhật IV Mùa Chay - Năm C