OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật V – Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật V – Phục Sinh Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau. Tin Mừng Ga 13,31-33a.34-35 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói : “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau.” Suy niệm: Giây phút Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly nói lên quyết định dứt khoát phản Thầy. Bao nhiêu tâm tình yêu thương, tin tưởng Đức Giê-su dành cho Giu-đa, bao nhiêu kỷ niệm của tình Thầy trò đều trở nên vô nghĩa đối với Giu-đa. Bao nhiêu lời dậy bảo, nhắc nhở, cảnh tỉnh mà Đức Giê-su dành cho Giu-đa cũng đều đổ sông, đổ biển ! Điều gì đã khiến Giu-đa trở nên cạn tình, cạn nghĩa như vậy? có thể vì Giu-đa đã không để tâm, để ý tới những lời dậy của Thầy, không chịu suy gẫm những điều chân lý Thầy dậy để đem ra thực hành, mà Giu-đa đã để của cải vật chất, lợi ích trần gian xâm chiếm tâm hồn mình. Giu-đa quyết định phản bội Thầy để có 30 đồng bạc. Cuộc sống của các Ki-tô hữu hôm nay cũng luôn phải đối diện với những cám dỗ, những thử thách. Những giá trị của Tin Mừng luôn bị những giá trị trần thế xen lấn, giống như hạt giống mọc trong bụi gai, đầy khó khăn. Giữa giá trị vật chất và giá trị tinh thần, các Ki-tô hữu đang sống nơi trần thế sẽ chọn gì? Giữa cái đói của thân xác và cái đói của linh hồn, các Ki-tô hữu sẽ chọn gì? Trước lời mời gọi hãy theo Thầy, hãy đi con đường Thập giá để bước vào vinh quang, nhiều Ki-tô hữu hôm nay đã quay lưng từ chối, và Giu-đa như một đại diện. Giờ phút Giu-đa ra đi chính là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Đức Giê-su coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Người được tôn vinh. Không phải đau khổ tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giê-su thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giê-su lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn của Chúa Cha. Nếu chúng ta ngày hôm nay, không lấy làm vinh dự khi làm theo ý Chúa và sẵn sàng chịu đau khổ vì Chúa, thì đó là dấu chúng ta chưa thực sự yêu mến Chúa, và tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó của Chúa sẽ còn tiếp tục vang lên, khi ngày ngày vẫn còn rất nhiều người phản bội Chúa. Các tông đồ sau khi bị bắt, nhốt trong tù và bị đánh đòn, đã “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”. Thánh Phao-lô nói: “vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Ki-tô”. Còn đối với chúng ta ngày nay thì sao? Chúng ta đã yêu Chúa như thế nào? Đã yêu người anh em như thế nào? Trước lúc bước vào con đường thập giá, Đức Giê-su trối lại cho các môn đệ điều răn mới của Ngài: anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” Yêu thương nhau là điều răn của Chúa. Chúng ta yêu thương nhau là chúng ta sống tâm tình của Chúa. Như thế, khi chúng ta không yêu thương nhau, chúng ta không chỉ lỗi phạm đến nhau, mà còn là xúc phạm đến chính Chúa, xúc phạm đến điều răn quan trọng nhất trong đạo Chúa. Hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Chúa đã yêu thương chúng ta trong mọi hoàn cảnh. Chúa đã yêu thương chúng ta đến cùng ! “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”. Tại sao người ta không tin vào Giáo Hội? tại sao người ta không đánh giá cao cộng đoàn của chúng ta? Đức Giê-su đã trả lời từ rất lâu rồi, đó là vì chúng ta chưa yêu thương nhau. Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bày về tình trạng bi đát của tu viện mình: Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hàng ngày đến gõ cửa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ thì leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi vị ẩn sĩ để cho biết nguyên nhân nào, hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng đó. Vị ẩn sĩ ôn tồn nói: “ các tội đã và đang xẩy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình.” Ông giải thích thêm: “Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quý vị, nhưng quý vị không nhận ra Ngài.” Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập hợp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy? Nhưng không một ai đã nhận ra Đấng Cứu Thế đã cải trang. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế ! Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ lại trở lại. Sức sống và niềm vui lại ngập tràn trong tu viện. Từ khắp nơi, người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn. Lời một bài hát: và con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai…đã minh họa thêm cho ý tưởng của câu chuyện trên. Chúa nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta biết sống giới răn yêu thương mà Chúa đã dậy với tình yêu trong sáng, chân thành. Hãy yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa, để tình yêu của Chúa biến đổi chúng ta, để Thánh Thần Chúa luôn ở lại với chúng ta, thánh hóa chúng ta nên một trong tình yêu của Ngài. Amen. Linh mục Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 10 tháng 05 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa