OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật VI – Phục Sinh Mùa Chay - Phục Sinh Chúa Nhật VI – Phục Sinh Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. Tin Mừng Ga 14,23-29 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an. Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.” Suy niệm: Bình An Chúng ta đang sống trong thế giới hiện đại và con người thời nay gần như có mọi sự. Nhưng tiếc thay nhiều người trong đó có chúng ta lại không có được điều rất quan trọng, đó là bình an, bình an đích thực trong tâm hồn. Nhiều người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, thậm chí là tự tử vì không thấy cuộc sống bình an. Gia đình cũng chẳng bình an khi xung đột thường xuyên xẩy ra giữa vợ chồng, con cái; tình trạng ly dị, ngoại tình ngày càng gia tăng và nó xẩy ra với cả những gia đình công giáo. Trước tình cảnh bất ổn của thế giới, con người nôn nóng đi tìm bình an. Có người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở. Làm thế nào để chúng ta có được bình an đích thực? Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong bài Tin Mừng hôm nay. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Vậy bình an của Chúa là bình an nào? Và bình an của thế gian là gì? Sự bình an của thế gian Sống giữa thế gian với những bảo đảm tiện nghi vật chất, con người dễ cho rằng sự bình an đi liền với sự sung túc về cải vật chất, hay có đầy đủ những tiện nghi cần thiết để sống. Sống giữa thế gian, con người dễ có khuynh hướng gắn liền với những điều kiện bên ngoài có thể đụng chạm được bằng giác quan. Vì thế, sự bình an đối với thế gian cũng bị giản lược vào những điều kiện vật chất, những gì người ta có thể nắm giữ được hay sở hữu được. Ví dụ tôi có nghề nghiệp ổn định, có tiền lương hậu hĩnh đủ sống sung túc, có nhà cao cửa rộng, có nhiều bạn bè tốt, có con ngoan vợ hiền... với những điều kiện như thế quá đủ để tôi kết luận rằng tôi đang thực sự bình an! Thế nhưng, cuộc sống ngày nay có quá nhiều nỗi sợ hãi và bất an. Người ta sợ thất nghiệp, sợ chiến tranh, sợ bệnh tật, sợ nợ chồng chất, sợ mất nhà cửa, sợ mất người yêu, sợ bị kẻ thù hãm hại...Từ những sợ hãi đó, con người phải tự vệ, bạo động và đấu tranh để tìm kiếm sự yên ổn và hòa bình. Thế nhưng, đó có phải là cách thế để chúng ta có sự bình an và hòa bình đích thực, hay chỉ là một thứ bình an giả tạo chóng qua.? Nếu quan sát thế giới này, nơi nào có chiến tranh, rúng động, chia rẽ... ta bảo nơi đó không có bình an. Kết luận đó đúng nhưng chưa đủ, vì ta chưa nhìn thấu tận căn của vấn đề. Nguyên nhân của những bất ổn bên ngoài cuộc sống con người chính là sự bất an từ bên trong tâm hồn. Hùng và Hà là hai người láng giềng của nhau. Ruộng của họ nằm sát bên nhau. Năm đó thời tiết khô hạn nên việc cày bừa rất vất vả. Hùng rất khó chịu. Anh cứ lấy roi quất lia quất lịa lên con ngựa đang kéo cày. Nhưng càng bị quất thì con ngựa càng tỏ ra bướng bỉnh. Hùng biết rằng lúa mì trong mảnh ruộng người hàng xóm cao hơn lúa của anh. Mỗi khi nhìn sang mảnh ruộng ấy, anh có cảm tưởng là anh chàng hàng xóm đang nhạo cười mình. Hà thì trái lại. Dù cũng vất vả nhọc nhằn, nhưng anh luôn bình thản và cứ kiên trì trong công việc. Thỉnh thoảng anh ngừng lại cho con ngựa được nghỉ ngơi. Anh nhìn sang ruộng của Hùng và thấy rất tệ. Anh muốn sang giúp lắm nhưng biết rằng anh kia sẽ không bao giờ chịu. Thôi thì đành để Hùng làm một mình vậy. Điều khác biệt giữa hai người láng giềng này không hệ tại ở tình hình bên ngoài mà ở tình trạng nội tâm. Chúng ta nhìn thế giới và tha nhân không phải như cái họ là, mà như cái ta là. Vì tâm hồn của Hà vui vẻ nên anh nhìn đời một cách lạc quan. Hùng thì trái lại, bởi nội tâm bất an nên nhìn cái gì bên ngoài cũng khó chịu. Đó là bình an theo thế gian. Còn bình an của Chúa thì sao? Bình An Của Chúa Khi nghe Thầy Giê-su tiên báo về giờ Người sắp phải rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, các môn đệ xao xuyến, bối rối. Thấy các môn đệ bất an, Chúa Giê-su nói: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”. Vậy chúng ta hiểu sao về bình an mà Chúa Giê-su nói? Bình an ở đây không phải là hòa bình, không có chiến tranh, cũng không phải là tình trạng an toàn, vui vẻ, bình lặng không có buồn phiền hay căng thẳng trong đời sống xét theo khía cạnh tâm lý. Bình an của Chúa chính là những ân huệ của Chúa mà chúng ta nhận được trong đời sống hằng ngày cũng như trong đời sống đức tin. Và ân huệ lớn lao nhất là chúng ta được Chúa Giê-su cứu thoát khỏi sự chết và ban cho sự sống vĩnh cửu, sự sống của Chúa. Được Chúa giải thoát khỏi quyền lực của ma quỷ, của sự dữ, đó là một ân huệ lớn lao. Bình an mà Đức Giê-su hứa ban cho các môn đệ hôm nay, không có nghĩa là cuộc sống của các ông được trải thảm nhung và hoa hồng, không có bách hại, buồn sầu. Vì chính lúc đưa ra lời hứa ban bình an, Đức Giê-su đang trên đường hướng đến cuộc khổ nạn. Và trên đường thương khó, sự bình an nội tâm của Đức Giê-su đã biến ngày thứ sáu tội lỗi, thành ngày thứ sáu hồng phúc, ngày thánh thiện. Ngài lấy tình yêu và tha thứ để đáp lại hận thù và gian ác. Sau này, khi phải đối diện với những cuộc vu khống và bách hại, các môn đệ và những người ki-tô hữu đầu tiên luôn có được sự bình tĩnh và an nhiên. Trong bài Giảng của Thánh Lễ Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót ngày 03.04.2016, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Sự bình an của Chúa Giêsu là sự bình an đến từ con tim của Đấng Phục Sinh; đó là sự bình an đã vượt thắng tội lỗi, sự chết và sự sợ hãi. Đó là sự bình an không chia tách nhưng hiệp nhất; đó là sự bình an không để cho người ta phải cô đơn, nhưng làm cho chúng ta cảm nhận được rằng, chúng ta đang được đón nhận và đang được yêu thương”. Qua lời Chúa hôm nay, xin cho chúng ta ý thức nhiệm vụ của người Kitô hữu là làm lan toả sự bình an đích thực của Chúa cho những người sống chung quanh mình, cho xã hội cho thế giới. Thế giới hôm nay đang mất dần bình an nên mỗi chúng ta hãy trở nên những người tái tạo hoà bình, những người làm chứng cho hoà bình trong thế giới bằng cuộc sống không bạo lực, bằng cách sống đồng tâm nhất trí, yêu thương nhau. Để có thể làm cho thế giới bình an, trước tiên, mỗi chúng ta phải là những người thực sự bình an trong tâm hồn. Thanh Tùng, OMI. Ngày 21 tháng 05 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống Chúa Nhật VII Phục Sinh – Chúa Thăng Thiên Chúa Nhật VI - Phục Sinh Chúa Nhật V - Phục Sinh Chúa Nhật IV - Phục Sinh Chúa Nhật III - Phục Sinh Chúa Nhật II - Phục Sinh Chúa Nhật Phục Sinh Thứ Bảy – Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Thứ Sáu – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa