OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XI – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XI – Thường Niên Hạt cải là loại nhỏ nhất, nhưng đã trở thành cây lớn hơn mọi thứ rau cỏ. Tin Mừng Mc 4, 26 - 34 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng dụ ngôn này: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh hoa kết quả : trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm ra gặt, vì đã đến mùa.” Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây ? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được ? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.” Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ nói với họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết. Suy niệm: Nước Thiên Chúa là một chủ đề mà nhiều Ki-tô hữu quan tâm. Nước Thiên Chúa như thế nào? Đây là câu hỏi nhiều người muốn có câu trả lời! Trong kinh cầu Đức Bà có câu: Đức Bà là cửa Thiên đàng, đã làm nhiều người hiểu lầm là Nước thiên đàng hay Nước Thiên Chúa là một nơi chốn. Lại có câu nói, thánh Phê-rô nắm giữ chìa khóa Nước Trời, nên càng làm nhiều người hiểu lầm Nước Thiên Chúa như một thành trì vững chắc, mà Phê-rô nắm giữ chìa khóa. Nhiều người đã thầm mong ước rằng, chỉ cần qua được cửa Thiên Đàng là an tâm, mình sẽ luôn được ở trong Thiên Đàng, là Nước của Thiên Chúa. Những suy nghĩ như trên đúng hay không đúng? Chúng ta sẽ nghe Lời Chúa hôm nay hướng dẫn: Chúa Giê-su nói: Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết… Như vậy, Nước Thiên Chúa không phải là một nơi chốn, không giống một thành trì kín cổng cao tường. Nhưng Nước Thiên Chúa là một hành trình đặc biệt, như một hạt giống gieo vào lòng đất (Dụ ngôn hạt giống âm thầm). Hạt giống ấy có sức sống và sức phát triển nội tại. Dù hoàn cảnh thuận lợi hay không thuận lợi (đêm hay ngày), dù người ta có chăm sóc hay không, người ta ngủ hay thức, bằng cách nào người ấy không biết, hạt giống vẫn lớn lên, nghĩa là Nước Thiên Chúa vẫn cứ phát triển. Như vậy, để được ở trong Nước Thiên Chúa, con người phải trải qua một hành trình. Một hành trình dấn thân, tham dự vào chương trình của Thiên Chúa. Như hạt giống tiếp nhận mọi dưỡng chất, chịu mục nát để biến đổi (bỏ đi những thói hư tật xấu), để trở thành mầm sống mới, phát triển thành cây, đơm bông kết trái với những bông hạt thánh thiện, một đời sống chứng nhân cho Tin Mừng, một Ki-tô hữu họa lại hình ảnh của Đức Giê-su. Nước Thiên Chúa còn được diễn tả như một hạt giống nhỏ bé (như một hạt cải), nhưng rồi nó sẽ phát triển thành cây to. Vì hạt giống có sức sống nội tại, một sức sống phát triển mãnh liệt mà Thiên Chúa ban tặng. Có lẽ, những dụ ngôn này còn nhằm mục đích trấn an các môn đệ thời Chúa Giê-su: có lúc họ ngã lòng vì thấy mình chỉ là một nhóm người ít ỏi, nhỏ bé, sợ không đủ khả năng mở mang Nước Thiên Chúa. Bên cạnh đó, họ lại phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, bị ngăn cấm, bị bách hại. Nhưng qua những dụ ngôn hôm nay, Chúa muốn nói với các môn đệ rằng: Chắc chắn Nước Thiên Chúa sẽ tồn tại và phát triển mạnh mẽ, vì chính Thiên Chúa điều khiển mọi sự, vì Nước Thiên Chúa là chính Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô nói: “Tôi trồng, Apollo tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì. Nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên mới đáng kể” (1 Cr 3, 6 - 7). Nếu các Ki-tô hữu suy nghĩ như thánh Phao-lô, thì chúng ta không còn lo ngại gieo hạt giống Nước Thiên Chúa, và cũng không vội ngã lòng, khi thấy công việc gieo giống của mình chưa sinh kết quả. Có một câu chuyện thật ý nghĩa về việc gieo hạt giống Tin Mừng như sau: Một ngày đẹp trời, một tông đồ giáo dân dẫn cha xứ đến một gia đình có người chồng làm nghề kéo xe lôi. Đến nơi, cha xứ thật bất ngờ nhận ra một món quà rất đặc biệt đó là, cả nhà gồm cha mẹ và 07 người con xin theo đạo. Khi được hỏi lý do thì người cha cho biết: Mười mấy năm trước, khi còn nhỏ, anh học trường các Sư huynh Lasan. Nhờ những lời giảng dạy và gương sáng của các Sư huynh, anh đã có lòng mộ mến đạo Chúa. Lòng mộ mến ấy vẫn âm ỉ trong lòng anh. Tuần trước, khi gặp lại người tông đồ giáo dân này, tàn lửa âm ỉ đó bỗng bùng lên thành ngọn lửa, thôi thúc anh phải xin theo Chúa. Nếu các Sư huynh Lasan và các tông đồ giáo dân không chịu khó gieo giống, vì nghĩ rằng có gieo cũng vô ích, thì hôm nay cha xứ đâu có gặt được thành quả này. “Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết” (Mc 4, 27). Từ khi được đón nhận hạt giống đức tin, một điều tốt đẹp kỳ diệu Thiên Chúa đặt trong tâm hồn con người. Hạt giống đức tin ấy không ngừng được nuôi dưỡng bởi ơn Chúa. Nếu chúng ta biết đón nhận ân sủng của Thiên Chúa, sự sống thần linh sẽ triển nở trong ta như hạt giống lớn lên trên cánh đồng. Hãy tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa và vâng theo sự hướng dẫn của Ngài. Hạt giống Nước Thiên Chúa mà chúng ta gieo vào tâm hồn anh chị em quanh ta, sẽ mọc lên theo nhiều cách khác nhau, nhiều mức độ phát triển khác nhau. Có khi họ trở thành một ki-tô hữu thực thụ; có khi họ trở thành một ki-tô hữu vô danh, vì họ chưa được rửa tội, nhưng họ đang sống những giá trị Tin Mừng. Có khi họ mới là những người có thiện cảm với đạo Chúa. Tuy vậy, trách nhiệm của chúng ta là cứ trồng, cứ tưới, còn Thiên Chúa sẽ cho mọc lên. Nước Thiên Chúa không giống một vương quốc trần gian, không phải là những hệ thống vĩ đại bên ngoài, mà là một giá trị bên trong. Những giá trị mà Đức Giê-su đã rao giảng trong Tin Mừng như yêu thương, tha thứ, tin tưởng và hiệp nhất. Như vậy, xây dựng Nước Chúa là đem những giá trị Tin Mừng gieo vào tâm hồn con người, và tin tưởng Thiên Chúa sẽ cho lớn lên. Việc xây dựng Nước Trời như vậy thật âm thầm, khiêm tốn, nhưng có sức biến đổi lòng người. Ước gì mỗi người chúng ta sẽ là một thành viên tích cực trong việc xây dựng Nước Thiên Chúa ngay trong trần gian này. Để từng ngày, từng ngày có thêm những tâm hồn được biến đổi nhờ hạt giống Lời Chúa. Nhờ đó sẽ có một mùa gặt bội thu, mà ông chủ là chính Thiên Chúa sẽ ân thưởng Nước Trời cho tất cả chúng ta. Amen. Lm Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 14 tháng 06 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi