OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXII – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXII – Thường Niên Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm. Tin Mừng Mc 1, 7-8a. 14 – 15. 21 - 23 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân : họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận ; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn ; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su : “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?” Người trả lời họ : “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng : Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo : “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ : Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được ; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” Suy niệm: Sống Lời Chúa Lời Chúa là yếu tố căn bản, nền tảng chân lý vững chắc cho đời sống đạo của các Kitô hữu. Tuy nhiên, qua dòng lịch sử và vì được nghe giảng dạy theo những trường phái khác nhau, nên càng ngày người ta càng không biết Lời Chúa thật sự là gì. Hơn nữa, do ảnh hưởng của các hệ tư tưởng duy vật và vô thần, các Kitô hữu càng ngày càng ít quan tâm đến Lời Chúa và ít sống lời Chúa. Như vậy, các Ki-tô hữu đang đánh mất viên ngọc quý có giá trị hết sức to lớn; vì viên ngọc quý ấy - Lời Chúa – sẽ làm cho người Ki-tô hữu trở thành người khôn ngoan và thông minh (xc. Đnl 4, 6). Nhờ sống lời Chúa, chúng ta “ trở thành người sáng suốt, vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” ( Tv 119, 104 – 105). Các bài đọc của Chúa Nhật XXII thường niên cho chúng ta thấy giá trị và tầm quan trọng của Lời Chúa như lời thánh Giê-rô-ni-mô đã nói: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Trước khi dân Ít-ra-en tiến vào đất hứa, Mô-sê nhắc lại cho dân lời Đức Chúa và khuyên nhủ họ giữ và sống Lời Chúa: “Giờ đây, hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định tôi dạy cho anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 4, 1). Đây là những lời khuyến dụ thiết tha, nồng nhiệt, để nói với lương tri và con tim của từng người dân, Mô-sê thuyết phục dân gắn bó với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa, nghĩa là tuân giữ mệnh lệnh của Người. Tuân giữ giao ước, Lời Chúa chúng ta sẽ được cứu độ như lời khuyên của thánh Gia-cô-bê trong bài đọc II: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em” (Gc 1, 21b). Trong phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nổi bật lên chủ đề Lề Luật của Thiên Chúa, điều răn của Người, là một yếu tố nòng cốt của Do thái giáo cũng như của Kitô giáo, nơi nó tìm thấy sự thành toàn trong tình yêu (xc. Rm 13,10). Lề Luật của Thiên Chúa là Lời của Người hướng dẫn con người trên con đường cuộc sống, làm cho nó ra khỏi sự nô lệ của ích kỷ và dẫn đưa nó vào trong “miền đất” của sự tự do và sự sống đích thật. Vì thế, trong Thánh Kinh Lề Luật không bị coi như một gánh nặng, một sự hạn hẹp đàn áp, nhưng được coi như là ơn qúy báu nhất của Thiên Chúa, như chứng tá tình yêu hiền phụ của Người, của ý muốn sống gần gũi với dân Người, là “Đồng Minh” của họ và cùng họ viết lên một lịch sử tình yêu. Vì thế tín hữu đạo đức Do Thái mới cầu nguyện như sau: “Con vui thú với thánh chỉ Ngài, chẳng quên lời Ngài phán... Trên đường mệnh lệnh Chúa xin dẫn con đi, vì nơi chúng là hạnh phúc của con” (Tv 119, 16. 35). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su quở trách những con người đọc Lời Chúa mỗi ngày Sa-bát nhưng lại không sống Lời Chúa. Những người Pha-ri-siêu đã làm cho tôn giáo của cha ông bị giản lược vào việc thi hành các thói quen phụ thuộc làm thỏa mãn nhu cầu của con người cảm thấy yên ổn với Thiên Chúa. Đây là một nguy cơ trầm trọng của mọi tôn giáo, Chúa Giêsu đã gặp thấy trong thời Người, và rất tiếc người ta cũng có thể kiểm thực trong Kitô giáo nữa. Vì thế các lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay chống lại các kinh sư, và các Pharisêu cũng khiến chúng ta suy nghĩ. Chúa Giêsu lấy các lời của ngôn sứ Isaia làm của mình: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7, 6 - 7; xc. Is 29, 13). Và Chúa Giêsu kết luận: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8).Và những ai gạt bỏ lời Thiên Chúa sẽ bị hư vong như Mô-sê đã chỉ cho dân Ít-ra-en thấy, những ai hủy bỏ, không sống Lời Chúa sẽ bị diệt vong (xc. Đnl 4, 3). Ngày xưa Ðức Giêsu đã dùng lời ngôn sứ Isaia để trách dân Do Thái rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Phải chăng chúng ta cũng đáng bị trách như thế? Mỗi ngày Chúa nhật, chúng ta đến Nhà thờ đọc kinh và rước lễ. Nhưng đó chỉ mới là bằng môi bằng miệng thôi. Tôn kính Chúa bằng một tấm lòng chân thành còn đòi buộc chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa, kết hợp với Mình Thánh Chúa và sống theo ý Chúa nữa. Xin Chúa cho chúng ta luôn lắng nghe và sống Lời Chúa cách chân thực. Thanh Tùng, OMI Ngày 31 tháng 08 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXI – Thường Niên Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật XIX – Thường Niên Chúa Nhật XVIII – Thường Niên