OMI VIỆT NAM::Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Chúa Nhật Chúa Nhật XXIV – Thường Niên Thầy là Đấng Ki-tô. Con Người phải chịu đau khổ nhiều. Tin Mừng Mc 8, 27 - 35 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô. Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ rời Bết-xai-đa để đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai ?” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông : “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ông Phê-rô trả lời : “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người. Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết: Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan ! lui lại đàng sau Thầy ! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Suy niệm: Trong bối cảnh toàn dân đang mong chờ Đấng Mêsia vì các sách tiên tri, các ngôn sứ đã nhiều lần tiên báo Ngài sẽ xuất hiện. Do đó bất cứ nhân vật nào xuất hiện mà có những dấu hiệu khác thường, đều được dân chúng quan tâm, theo dõi nhất cử nhất động. Đặc biệt là sự quan tâm của các nhà nghiên cứu Kinh Thánh. Khi Đức Giê-su công khai rao giảng Tin Mừng, Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, và thực hiện nhiều phép lạ, những điều mà xưa nay chưa từng có ai làm được như vậy. Do đó, trong dân chúng, mọi người bàn tán xôn xao về Người. Vì vậy, hôm nay Đức Giê-su mới hỏi các môn đệ: người ta bảo Thầy là ai? Biết bao nhà nghiên cứu, biết bao khối óc thông thái. Nhưng không một ai nhận biết Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (Đấng được xức dầu), mà chỉ dừng lại ở cấp ngôn sứ, người thì bảo: Ngài là Gio-an Tẩy giả, người khác thì nói là Ê-li-a, hay một ngôn sứ nào đó. Không một ai nói đúng về Đức Giê-su. Điều đó cho thấy khả năng giới hạn của con người, cho dù họ là những nhà thông thái, cho dù là những nhà nghiên cứu Kinh Thánh, nhưng vẫn chỉ là thân phận con người. Con người chỉ thấy hiện tượng bên ngoài, mà không thấu hiểu bản chất bên trong. Sau đó, Đức Giê-su quay lại hỏi các tông đồ: còn các con, các con bảo thầy là ai? Nói đến các tông đồ, thì Tin Mừng cho chúng ta biết, họ xuất thân từ giới lao động, nhiều người làm nghề chài lưới, ít học, quê mùa. Có lẽ không nhiều người hy vọng họ sẽ có câu trả lời đúng. Nhưng Phê-rô đại diện cho các tông đồ lại làm cho mọi người ngỡ ngàng, Phê-rô trả lời chính xác: “Thầy là Đấng Ki-tô” Phê-rô trả lời dựa trên cơ sở nào, mà có sự chính xác như vậy? Trong khi Phê-rô là người ít học, không có bằng cấp nào, cũng chẳng ai nói Phê-rô là người thông thái, mà nơi Phê-rô chỉ có sự bộc trực, ngay thẳng. Nhưng chính sự bộc trực, ngay thẳng đó, lại là điều kiện, để Chúa Thánh Thần hoạt động nơi Phê-rô. Chính Chúa Cha nói trong Phê-rô. Sự ngay thẳng của Phê-rô như một mảnh đất tốt để màu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải cho muôn dân. Phê-rô đã nói đúng, Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng được xức dầu. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, mà hôm nay, Chúa Giê-su muốn nói với các tông đồ cũng như toàn thể nhân loại, đó là: Đấng Ki-tô đó, không phải là Đấng Ki-tô oai hùng, rực rỡ vinh quang theo kiểu trần thế, điều mà các tông đồ đang nghĩ trong đầu. Nhưng Đức Giê-su muốn mặc khải cho các ông biết rằng, Ngài là Đấng Ki-tô tôi trung của Thiên Chúa, là người Tôi Tớ khiêm hạ. Ngài muốn nói với các tông đồ rằng: đừng quan niệm sai lầm về Đấng Ki-tô đích thực của Thiên Chúa. Ngài nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại”. Sự thật đó làm cho các tông đồ rất ngỡ ngàng. Vì từ trước tới giờ, từ khi đi theo làm môn đệ Đức Giê-su, họ cứ đinh ninh Đức Giê-su sẽ là người dành chiến thắng trong vinh quang. Họ đang theo một người đầy tiềm năng sẽ làm vua, và họ sẽ được chia sẻ vinh quang với Người. Nhưng hôm nay, khi nghe Đức Giê-su mặc khải: Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ lão, các thượng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Nghe vậy, họ rất bối rối, băn khoăn, và ngay lúc đó, Phê-rô đã đứng ra ngăn cản Người, và kết quả của việc can thiệp vào chương trình của Thiên Chúa là một bài học đắt giá cho Phê-rô, Chúa đã quở trách Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đằng sau thầy! vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Phải phân biệt thật rõ ràng Thiên Chúa là ai, và loài người là ai? Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, còn con người là loài thụ tạo, được Thiên Chúa dựng nên. Thánh Augustinô cầu nguyện thế này: Xin cho con biết Chúa, và xin cho con biết con. Để biết Chúa là Đấng nào? phải cầu nguyện, phải xin ơn Chúa soi sáng, chứ tự sức loài người không thể biết được. Cũng như các nhà thông thái, chuyên nghiên cứu Kinh Thánh mà không một ai nhận biết Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, mà chỉ có Phê-rô, người được Thiên Chúa soi sáng mới biết. Cũng vậy, để biết mình là ai? Cũng cần phải cầu nguyện để xin ơn Chúa soi sáng để mình biết, mình là ai! Đừng tự cao, tự đại để rồi có ngày đi theo vết xe đổ của Lu-ci-fer, muốn mình bằng Thiên Chúa! Phê-rô hôm nay đã mắc một sai lầm rất đáng trách, ông là loài thụ tạo, được Thiên Chúa tạo dựng nên, mà dám khuyên can Đấng Tạo Thành nên mình. Vì vậy, ông đã bị Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người nặng lời khiển trách: Xa-tan lui lại đằng sau Thầy. Con hãy ở yên trong vị trí của con là thụ tạo, và hãy để Thầy đi trước dẫn dắt con. Đức Giê-su khiển trách Phê-rô là Xa-tan, ý muốn nói rằng, khi chúng ta không để Thần Khí hướng dẫn, chúng ta sẽ trở thành nô lệ của Xa-tan. Đặc biệt, Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta, phải cầu xin ơn Chúa, xin Ngài soi sáng hướng dẫn để mình hiểu được tại sao Đức Giê-su lại phải đi con đường thập giá? Tại sao phải qua Thập giá mới đến vinh quang? Chỉ khi chúng ta hiểu được ý nghĩa của đau khổ, hiểu được giá trị của Thập giá, chúng ta mới sẵn sàng đón nhận Thập giá. Chỉ khi chúng ta hiểu rằng Thập giá chính là phương tiện đưa chúng ta về Trời, lúc đó chúng ta mới yêu mến Thập giá. Còn nếu chúng ta chưa thực sự hiểu giá trị của đau khổ, thì chúng ta vẫn tránh né thập giá. Chúng ta đừng tự nhận mình đã hiểu giá trị của đau khổ! Chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho mình: Mình đã sẵn sàng đón nhận đau khổ vì danh Chúa chưa? Chúng ta có tránh né thập giá trong sứ mạng Chúa trao không? Chúng ta cần nhớ rằng: Chính Đức Giê-su đã chọn con đường thập giá để bước vào vinh quang! Nếu chúng ta muốn hưởng vinh quang với Ngài, chúng ta cũng phải qua con đường thập giá. Các con bảo Thầy là ai? Câu hỏi này vẫn tiếp tục được đặt ra cho mỗi người chúng ta hôm nay. Và có thể, chúng ta cũng giống như Phêrô, đã trả lời đúng câu hỏi của Chúa Giê-su với tất cả vốn liếng về Thánh Kinh và Thần học, về giáo lý của chúng ta. Nhưng biết đâu, trong hành động của mình, chúng ta đang là những người ngăn cản việc thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, khi chúng ta từ chối yêu thương, khước từ đau khổ, khước từ thập giá mà Chúa gửi đến cho chúng ta trong cuộc sống thường ngày? Chúng ta chỉ tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa, nhưng chúng ta không muốn đi theo chương trình của Chúa mà chỉ muốn đi theo chương trình của chúng ta. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã nói với tất cả đám đông: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập mình hàng ngày mà theo”. Câu nói của Chúa Giê-su đã chạm đến cái tôi trong mỗi người, và làm đảo ngược mơ ước của các tông đồ cũng như của nhiều người. Họ đang nghĩ, theo Chúa để được chia sẻ vinh quang, lợi lộc trong cuộc sống này. Mọi người đang muốn theo Chúa, để được vinh quang, danh dự, vậy mà không những chẳng được gì, lại còn phải từ bỏ chính mình. Đây là một điều hoàn toàn xa lạ đối với họ, vì từ trước tới giờ, họ chỉ nghĩ cho mình, cũng như bao người thời nay đang nghĩ như vậy. Mình phải làm gì để mang lại nhiều lợi ích cho mình trong cuộc sống. Ngay cả việc các tông đồ theo Đức Giê-su ban đầu cũng nhằm mục đích đó. Theo và làm môn đệ Đức Giê-su, một người có uy quyền trong lời nói, và khả năng siêu phàm trong hành động, không một ai làm được những phép lạ như Ngài. Dân chúng theo Ngài càng ngày càng đông. Sẽ chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ tôn Ngài lên làm vua. Lúc đó, họ sẽ được chia sẻ vinh quang với thầy Giê-su, sẽ có nhiều lợi lộc trong cuộc sống, cuộc sống sẽ đề huề, hạnh phúc. Thế nhưng, hôm nay Đức Giê-su lại tuyên bố: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Bỏ chính mình là bỏ tất cả! một điều thật khó hiểu và khó chấp nhận đối với các tông đồ, và cả với chúng ta ngày hôm nay nữa. Không chỉ bỏ chính mình, mà còn phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo nữa. Trong khi ai cũng yêu bản thân mình, chẳng ai muốn hành hạ thân xác mình. Do đó, lời mời gọi của Chúa Giê-su trở thành khó chịu, chẳng ai chấp nhận, vì chẳng ai muốn đau khổ. Chúng ta cần chiêm ngưỡng hình ảnh của Đức Giê-su trong Bài đọc I, trích sách Isaia, nói về sự từ bỏ của Ngài: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Đức Giê-su đã tự nguyện hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng tất cả vì tội lỗi chúng ta, để đền tội thay cho chúng ta. Còn đối với thân phận tội lỗi như chúng ta “Từ bỏ chính mình” không phải là quyết định một lần, để thay cho suốt cả đời, mà là thái độ luôn sẵn sàng từ bỏ trong mọi giây phút của cuộc sống. Quả thật, bỏ mình vì Chúa, hay từ bỏ chính mình để theo Chúa, chúng ta chẳng thiệt thòi chút nào. Chúng ta bỏ cái tương đối, là chính sự ích kỷ thấp hèn của mình, để được Đấng Tuyệt Đối. Khước từ cái mau qua, để đón nhận cái vĩnh cửu. Từ bỏ cuộc sống này, để được sự sống đời đời. Đây chính là lời hứa của Thiên Chúa, Đấng toàn năng tuyệt đối, Đấng không bao giờ sai lầm. Chúng ta phải xác tín vào lời Ngài: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy và vì Tin Mừng thì sẽ giữ được mạng sống ấy”. Hãy can đảm, trung thành thực hành Lời Chúa. Trong Bài đọc II, trích thư thánh Gia-cô-bê tông đồ, đề cập đến đức tin của các Ki-tô hữu. Cần phải có một đức tin vững mạnh, chúng ta mới có thể từ bỏ chính mình, từ bỏ cái hữu hạn để được cái vô hạn là chính Chúa, là hạnh phúc đời đời. Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Thánh Gia-cô-bê đã nhấn mạnh: Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Để trở thành môn đệ của Đức Giê-su, để xứng đáng với hạnh phúc Nước trời, Đức Giê-su đòi hòi những kẻ tin theo Ngài phải từ bỏ cách triệt để. Phải hy sinh vác thập giá, phải đi qua cửa hẹp và phải sống thanh thoát với của cải trần gian. Phải sống làm chủ bản năng của mình bằng hy sinh, khổ chế, để sống như những con người tự do đích thực. Đừng để những đam mê danh lợi ràng buộc tâm hồn. Đừng để những cám dỗ tội lỗi làm mất lương tri, mất phẩm giá cao qúy của con người. Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng mang mầm ích kỷ; thích hưởng thụ hơn là hy sinh. Thích thu tích hơn là cho đi, thích cai trị hơn là phục vụ. Xin dạy chúng con biết chiến đấu mà không sợ thương tích, làm việc vất vả mà không tìm nghỉ ngơi, biết hy sinh mà không đòi phần thưởng. Xin Chúa củng cố đức tin và soi sáng hướng dẫn, để chúng con biết một lòng thực thi thánh ý Chúa trong suốt cuộc đời. Amen. Lm Giu-se Ngô Xuân Hiến, OMI. Ngày 11 tháng 09 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi Chúa Nhật XXVI – Thường Niên Chúa Nhật XXV – Thường Niên Chúa Nhật XXIII – Thường Niên Chúa Nhật XXII – Thường Niên Chúa Nhật XXI – Thường Niên Chúa Nhật XX – Thường Niên Chúa Nhật XIX – Thường Niên Chúa Nhật XVIII – Thường Niên