OMI VIỆT NAM::Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa Chúa Nhật Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa Đức Giê-su chịu phép rửa xong và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra. Tin Mừng Lc 3,15-16.21-22 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Khi ấy, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.” Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về Con.” Suy niệm: Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khai mở cuộc đời công khai của Chúa Cứu Thế. Khi thấy Gioan làm phép rửa sám hối, biết sứ mệnh Chúa Cha trao phó cho mình là gánh tội trân gian, Đức Giêsu đã chịu phép rửa của Gioan. Bước xuống dòng nước, Người mang cả nhân loại thống hối nơi mình thành của lễ dâng lên Chúa Cha. Hành động này đã làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu. Lời Chúa Cha phán với Đức Giêsu như lời mặc khải một nhân loại mới được hình thành trong Đức Giêsu: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.” Thật vậy, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta đã và đang được tái sinh trở nên con người mới, con Thiên Chúa trong Chúa Con Giêsu. 1. Đức Giê-su – Chúa Con Nhập Thế Là Người Tôi Trung Của Thiên Chúa Vào 6 thế kỷ trước Chúa Giáng sinh, Tiên tri Isaia đã được linh hứng nói về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. … Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm." (Is 42,1-4, 6-7). - Người là giao ước giữa Thiên Chúa với dân: Trong giao ước tại Sinai, Moses chỉ là người trung gian của giao ước giữa Thiên Chúa và dân. Trong giao ước mới, Người tôi trung là chính giao ước. Điều này có nghĩa tất cả các ơn lành của giao ước đều bắt nguồn và được ban từ Người tôi trung này. Đón nhận Người là đón nhận ơn lành, từ chối Người là từ chối ơn lành; vì không có Người sẽ không có ơn lành. - Người là ánh sáng chiếu soi muôn nước: Điều này không chỉ có nghĩa Người mang ánh sáng tới, hay hướng dẫn dân tới ánh sáng, nhưng Người chính là ánh sáng. Ánh sáng là chính ơn Cứu Độ (Isa 49,6). Dân Ngọai đang ngồi trong tối tăm của tội lỗi và sự chết, Người đến “để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm.” ֎ Khi đến thời viên mãn- thời Tân Ước, Đức Giêsu – chính là Người Tôi Trung của Thiên Chúa đã xuất hiện, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia. Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.( Cv 10,34-38) Đức Giêsu – Con Thiên Chúa sẽ rửa người tín hữu bằng lửa và Thánh Thần. Phép rửa trong nước của Gioan giục lòng con người sám hối để được ơn tha tội, chuẩn bị tâm hồn đón chờ Đấng Thiên Sai tới. (x. Mt 3,11;Mc 1,4), Đức Giêsu – Đấng Thiên Sai, làm phép rửa cho người tin theo Ngài trong Thánh Thần và Lửa. Trong phép rửa này, tâm hồn người tin sẽ được chạm vào lửa của Thánh Thần. Từ đó, tâm thân của họ được thánh hóa trở nên đền thờ của Thiên Chúa, có Chúa Kitô sống trong mình, nên họ được gọi là Kitô hữu. 2. Trong Chúa Giê-su, Phẩm Giá Người Tín Hữu Được Biến Đổi Thành Con Thiên Chúa Khi ta chịu Phép Rửa, “trời mở ra” trong tâm hồn. Lời Chúa Cha từ trời đã phán với Đức Giêsu khi xưa trên dòng sông Gio-đan, nay Lời đó cũng đã và đang vang lên trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu : Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con (Lc 3,22). Chúng ta được tháp nhập nên một trong Chúa Giêsu, Sống tinh thần của Người, mang 3 sứ vụ của Người: (1) Sứ vụ ngôn sứ: Chúa Thánh Thần hướng dẫn người Kitô hữu không ngừng học hỏi Lời Chúa, biết và gân gũi với Thiên Chúa ngày một sâu rộng hơn. Cùng với Chúa Thánh Thần, chúng ta thực hiện sứ vụ ngôn sứ của Chúa Kitô: rao giảng cho mọi người biết về Thiên Chúa bằng đời sống chứng nhân - Thiên Chúa đang hiện diện trong tôi và trong tất cả. (2) Sứ vụ tư tế: Kitô hữu giả danh sống thờ ơ nguội lạnh trong việc thờ phượng và mải miết chuyện thế sự, và vô tình chúng ta là gương mù cho con cái, cho người khác tôn thờ những giá trị thế gian thay vì tôn thờ chỉ một mình Thiên Chúa. Tư tế Kitô hữu đích thực luôn thờ phượng một mình Thiên Chúa, làm gương, và chỉ đường cho người khác, cho con cái đến với Thiên Chúa. (3) Sứ vụ vương giả: Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10,45). Người Kitô hữu được tái sinh trong Chúa Thánh Thần qua bí tích Thánh Tẩy, không phải để làm lớn, làm láo nhưng biết sống cúi đầu khiêm hạ, theo gương Chúa Kitô vua, trở nên tôi tớ cho mọi người, ngõ hầu làm sáng danh Thiên Chúa Tình Yêu, và các linh hồn được cứu rỗi. 3. Thực Hành Người Kitô hữu được sinh ra bởi Thần Khí, nhờ Thần Khí mà tiến bước mỗi ngày: Năng cầu nguyện kết hiệp với Chúa, tham dự Thánh lễ, Sống yêu thương phục vụ xứng với phẩm giá con Thiên Chúa. CÂU CHUYỆN: Một cách ứng xử của con cái Thiên Chúa đối với “xe rác” có mùi thế gian Một hôm tôi nhảy vào một chiếc taxi để ra phi trường. Ðang chạy đúng làn bỗng từ bãi đậu xe phía trước một chiếc xe nhà màu đen phóng ra. Người lái taxi thắng kêu một tiếng két và tránh không va chạm xe kia trong đường tơ kẽ tóc! Người lái xe kia ngoái đầu mắng chúng tôi: “Đm! Mày đui hả, không thấy cha mày hả?”. Người lái taxi chỉ cười vẫy chào lại. Tôi thấy anh thật là tử tế. Thế nên tôi hỏi: " Sao anh hiền vậy? Anh kia suýt tông hư xe anh và tôi có lẽ đã phải nhập viện!" Bấy giờ anh lái taxi giới thiệu mình là người Công giáo, và giải thích rằng: “Nhiều người cứ như là xe rác vậy. Họ chạy vòng quanh mang theo đầy rác, đầy bực dọc, đầy nóng giận và chán chường. Vì rác của họ đầy ắp, họ cần nơi đổ rác và đôi khi họ trút lên bạn. Ðừng mang nó vào mình. Chỉ cần mỉm cười, vẫy chào, chúc điều tốt lành rồi ta cứ đi tiếp. Ðừng thèm lấy rác đó rồi mang rải cho người khác nơi làm việc, nơi dọc đường hay mang về nhà.” Người Kitô hữu quyết tâm không để cho mấy xe chở “rác có mùi tính xác thịt, thế gian” làm hỏng ngày sống của mình. Cuộc đời quá ngắn để mà cứ sống lo lắng, căng thẳng…, rồi buồn bã trong hối tiếc đổ vỡ tương quan. Vậy nên... Nhờ Chúa Thánh Thần, con cái Thiên Chúa Tình Yêu sống yêu thương người cư xử tốt với mình, và cầu nguyện chúc lành cho ai xử tệ. Lm Giuse Đinh Kim Chí, OMI. Vinh Quang Đức Chúa Tỏ Hiện Mùa Giáng Sinh kết thúc với lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa được cả bốn Tin Mừng thuật lại và biến cố này đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ công khai của Chúa Giê-su. Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa, Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chi bồ câu và trao ban quyền năng cho Người để Người rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Với sự chấp thuận của Chúa Cha trong tư cách là con yêu dấu, Chúa Giê-su bắt đầu công khai sứ mạng loan Tin Mừng cứu độ cho hết mọi loài thụ tạo. Vinh quang Đức Chúa tỏ hiện và mọi người phàm sẽ được thấy Bài trích sách I-sai-a là một bài ca, vui tươi, mở đầu phần thứ hai của sách I-sai-a. Mở đầu phần hai, ngôn sứ I-sai-a loan báo cho dân đang chịu cảnh lưu đầy tại Ba-by-lon một tin vui: thời phục dịch, thời lưu đầy của Ít-ra-el đã hết và dân sẽ sớm được trở về Giê-ru-sa-lem. Thiên Chúa sẽ can thiệp cách trực tiếp để giải phóng dân khỏi cảnh lưu đày. Người sẽ dẫn dân qua sa mạc lớn và Thiên Chúa sẽ bày tỏ vinh quang của Người cho họ một lần nữa và mọi người phàm sẽ được thấy vinh quang Chúa. Vinh quang Đức Chúa tỏ lộ qua lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giê-su Ngày ấy, dân chúng đang mong đợi đấng Mê-si-a đến để giải thoát họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rô-ma. Cho nên, khi thấy Gio-an Tẩy Giả xuất hiện mọi người thầm nghĩ Gio-an chính là Đấng Mê-si-sa. Mê-si-a có nghĩa là được Chúa xức dầu. Thấy dân chúng lầm tưởng mình là Đấng Mê-si-a, Gio-an liền trả lời: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3,16). Theo lời chứng của Gio-an, Chúa Giê-su không những là “Đấng đang đến”, mà còn là “Đấng mạnh thế” hơn Gio-an Tẩy Giả đến nỗi ông không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Ông so sánh phẩm giá của hai nhân vật mà dân chúng đang lầm tưởng: bản thân ông và Chúa Giê-su. Khi so sánh như vậy, ông thấy mình thật bất xứng đến nỗi không xứng đáng cởi quai dép cho Chúa Giê-su. Ông thấy mình bất xứng hơn cả tên nô lệ Do-thái trong việc phục vụ ông chủ. Ông so sánh giữa phép rửa ông đang thực hiện với phép rửa của Chúa Giê-su: ông làm phép rửa trong nước và kêu gọi người ta sám hối, phép rửa của ông chỉ là một nghi thức tượng trưng giúp người ta tỏ lòng sám hối; trong khi đó, phép rửa của Chúa Giê-su là phép rửa trong Thánh Thần và lửa, phép rửa ban ơn tha tội. Phép rửa sẽ biến đổi con người từ bên trong tâm hồn. Vinh quang Đức Chúa tỏ hiện trên Chúa Giê-su khi Người chịu phép rửa và cuộc thần hiện của Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay thánh Lu-ca tường thuật lại hai sự việc khác nhau nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Trước tiên là sự kiện dân chúng nghĩ Gio-an Tẩy Giả chính là Đấng Mê-si-a, Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Lúc này, dân Ít-ra-en đang phải sống dưới ách thống trị của đế quốc Rô-ma nên họ luôn mong chờ Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa đến giải thoát họ khỏi sự thống trị của Rô-ma. Vì thế, khi thấy Gio-an xuất hiện, rao giảng và làm phép rửa gọi dân chúng sám hối thì dân chúng nói với nhau: “biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a” (Lc 3,15). Khi thấy dân chúng nhận biết sai về Đấng Mê-si-a, Gio-an đã giải thích cho họ biết về Đấng Mê-si-a bằng cách đối chiếu chính mình với Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa để người ta đừng nhầm lẫn ông với Chúa Giê-su. Một, Gio-an nhìn nhận thân phận mình trước Chúa Giê-su: ông chỉ xứng là người nô lệ, người tôi tớ của Đấng đang đến và ông không xứng đáng để cởi quai dép cho Đấng Mê-si-a, Đấng muôn dân đang mong đợi. Hai, ông so sánh phép rửa kêu gọi tỏ lòng sám hối mà ông đang thực hiện với phép rửa của “Đấng đang đến”. Phép rửa bằng nước của Gio-an chỉ là một ghi thức sám hối, trong khi đó, phép rửa do Đấng Mê-si-a thực hiện có sức biến đổi và thanh tẩy tâm hồn, rửa sạch mọi tội bởi vì Người thực hiện phép rửa cho dân chúng trong Thánh Thần và lửa. Thứ hai là, sự kiện Chúa Giê-su chịu phép rửa. Kinh thánh thuật lại, Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a của Thiên Chúa hôm nay đã tự ý đến chịu phép rửa của Gio-an giống như dân chúng. Con Thiên Chúa khi xuống thế làm người đã muốn đồng hành cùng dân Người trên con đường sám hối, Người hòa mình với dân chúng, mang lấy ách đau khổ của tội nhân ngoại trừ tội lỗi. Công đồng Vatican II viết: Ngài “đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim con người. Sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống như chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (Gaudium et Spes, 22). Trung tâm của biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa là sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu đậu trên Chúa Giê-su và có tiếng từ trời phán: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” ( Lc 3,22). Thánh Lu-ca nói rõ rằng Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su dưới hình dáng chim bồ câu, nghĩa là Thánh Thần mượn hình dáng chim bồ câu để cho mắt phàm con người có thể thấy được Ngài chứ không phải Ngài giống như hình chim bồ câu. Thêm nữa, khi Chúa Giê-su chịu phép rửa thì trời mở ra và vinh quang của Chúa tỏ hiện. Tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”(Lc 3,22). Đây là lời mạc khải quan trọng nhất của Chúa Cha về mầu nhiệm Đức Giê-su. Chúa Cha xác nhận, Đức Giê-su là Con của Chúa Cha, Người là Thiên Chúa, Người được Chúa Cha xức dầu và tấn phong làm Đấng Mê-si-a. Với tư cách là Con yêu dấu của Chúa Cha, là Đấng Mê-si-a, Chúa Giê-su sẽ làm phép rửa cho chúng ta bằng Thánh Thần và lửa. Qua bí tích rửa tội, Người sẽ tái tạo và biến đổi chúng ta thành con người mới, con người đầy tràn Thánh Thần. Mừng lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa nhắc nhớ chúng ta là những người Ki-tô hữu, về Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Bí tích Rửa tội là bí tích của ngõ, là lối dẫn vào các bí tích khác (xc. GLHTCG 1213). Nhờ Bí tích Rửa tội, chúng ta sẽ được lãnh nhận các bí tích khác: Bí tích Hòa Giải, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Xức dầu….. Nhờ Bí tích Rửa tội chúng ta được Thiên Chúa tha tội nguyên tổ và các tội chúng ta đã phạm, nhờ đó, chúng ta được trở thành nghĩa tử, là “con yêu dấu” của Thiên Chúa, là chi thể của Chúa Giê-su, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội chúng ta được tham dự vào chức vụ: Tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Giê-su. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội chúng ta được Giáo hội qua các thừa tác viên trao cho chúng ta chiếc áo trắng và ngọn nến sáng: áo trắng tượng trưng cho sự thánh thiện, trong sạch của linh hồn; cây nên sáng tượng trưng cho Đức Ki-tô, Đấng nguồn mạch ánh sáng. Khi trao cho chúng ta tấm áo trắng và ngọn nến sáng, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy giữ tâm hồn trong sạch, giữ ngọn lửa đức tin luôn luôn cháy sáng. Thanh Tùng, OMI. Ngày 07 tháng 01 Năm 2022 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên Chúa Nhật XXVII – Lễ Đức Mẹ Mân Côi