OMI VIỆT NAM::Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Chúa Nhật Thứ Sáu Tuần Thánh – Tưởng Niệm Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Tin Mừng Ga 18, 1 – 19, 42 Suy niệm: NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ Chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối. 1. Nghịch lý của Thánh Giá Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3). Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên. Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội! Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết chóc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để sử tử tội nhân mà thôi. Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người. Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ. Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại. Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại. Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh. Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32). Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25). Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20). 2. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? “ (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38). Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu. Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương. Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng. Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi ” (Gl 2,19-20). Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang. Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen. Jos. Vinc. Ngọc Biển NHÌN NGẮM THÁNH GIÁ KHÁM PHÁ TÌNH YÊU Hôm nay, Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá với tất cả tình yêu. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy. Câu chuyện tình yêu Giảng trong Thánh lễ sáng thứ ba ngày 15/03.2016, tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Nếu muốn biết ‘câu chuyện tình’ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta phải ngắm nhìn Thánh Giá, nơi ấy có một vị Thiên Chúa đã hoàn toàn ‘trút bỏ vinh quang’, sẵn sàng bị ‘vấy bẩn’ bởi tội lỗi con người để cứu con người khỏi chết". Thật không thể hiểu nổi Thiên Chúa yêu thương chúng ta biết chừng nào. Người đã yêu chúng ta bằng tình yêu vô bờ bến, tình yêu thương xót và thứ tha, khi phải mang trên mình những đau khổ vì tội lỗi chúng ta. Bài ca thứ tư của người Tôi Tớ Chúa được Isaia mô tả: “Người chẳng còn hình dáng, cũng chẳng còn sắc đẹp để chúng ta nhìn ngắm, không còn vẻ bên ngoài, để chúng ta yêu thích; bị người đời khinh dể như kẻ thấp hèn nhất, như kẻ đớn đau nhất, như kẻ bệnh hoạn, như một người bị che mặt và bị khinh dể, bởi đó, chúng ta không kể chi đến người. Thật sự, người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta. Mà chúng ta lại coi người như kẻ phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc hổ. Nhưng người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác chúng ta. Người lãnh lấy hình phạt cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất trên người tội ác của tất cả chúng ta” (Is 53, 2-6). Người ta nói rằng: nếu tất cả Thánh Kinh trên trái đất này bị hủy diệt bởi tai biến nào đó hay bởi một cơn thịnh nộ phá hủy các hình tượng tôn giáo và chỉ còn một bản Kinh Thánh, và bản còn lại đó cũng bị hư hại đến mức chỉ còn một trang, và nếu trang đó nhăn nheo đến độ chỉ còn một dòng có thể đọc được, và nếu dòng đó là thư thứ nhất của thánh Gioan viết "Thiên Chúa là Tình Yêu", thì coi như toàn bộ Thánh Kinh được khôi phục, bởi vì toàn bộ nội dung là ở đó. Mầu Nhiệm Thập Giá mà chúng ta cử hành là bằng chứng. Vì thế, khi suy tôn Thánh giá Chúa, kính nhớ Chúa chịu chết, chúng ta cảm nhận được sự thật rằng: "Thiên Chúa là Tình Yêu". Thờ lạy Thánh Giá Chúa Phần tiếp theo của nghi thức chiều nay là thờ lạy Thánh Giá, tiến xướng chúng ta hát: Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa… vì nhờ gỗ này mà cả vũ trụ được hân hoan. Tại sao vậy? Thưa, Thánh Giá không phải là đồ trang sức, không phải là một công trình nghệ thuật được đính nhiều đá quý và kim cương lấp lánh. Nhưng như chúng ta thấy, Thánh Giá là mầu nhiệm tự hủy của Thiên Chúa vì yêu thương. Đây chính là câu chuyện về ơn cứu độ của chúng ta. Đây cũng là chuyện tình của Thiên Chúa. Với khí giới của riêng mình là cây Thánh Giá, Chúa Giêsu đã chiến thắng cách diệu kỳ. Nếu như đã có một người nữ tên là Evà bị thất bại trước khí cụ của con rắn xưa là cây trái cấm, đem sự chết vào thế gian, Ađam phải chết. Thì nay, Đức Maria, thay thế Evà, cũng với cây sự sống, cây biết lành biết dữ làm gỗ giá treo Chúa Giêsu lên, Người đã đánh bại tử thần, sống lại hiển vinh, cứu con cháu Ađam khỏi chết. Ma quỷ đã bị đánh bại bởi cùng một phương tiện mà nó đã chiến thắng. Ma quỉ đã dùng cây để quật ngã Adam, Chúa Giêsu Kitô đã dùng cây Thánh Giá để đánh bại Nó. Cây trái cấm đã ném con người vào vực thẳm, nay gỗ Thánh Giá kéo con người lên. Cây trái cấm đã làm cho con người mất đi tình thân nghĩa thiết với Thiên Chúa, tống con người vào ngục; nay gỗ Thánh Giá tước lấy vũ khí của ma quỉ đã chiến thắng con người, giúp con người vượt qua trần thế. Cái chết của Adam đã kéo theo con cháu mình là kẻ sinh sau ông; sự chết của Chúa Giêsu Kitô mang lại sự sống cho những kẻ sinh ra trước Người. Quả làm một tuyệt phẩm về tình yêu giữa Thiên Chúa với nhân loại từ cây Thánh Giá. Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới. Từ đây, “sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?” (1Cr 15, 54-55). Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi. Chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng: Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận. Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa. Xin Chúa cho chúng con khi nhìn ngắm Thánh Giá Chúa, biết khám phá ra rằng, Thiên Chúa đã chết chỉ vì yêu, để chúng con biết yêu thương nhau hầu chứng tỏ rằng chúng con yêu Chúa, vì đó là cốt lõi của Đạo Chúa. Amen. Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ Nguồn: gplongxuyen.org Ngày 02 tháng 04 Năm 2021 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật IV – Mùa Vọng Chúa Nhật III – Mùa Vọng Chúa Nhật II – Mùa Vọng Chúa Nhật I – Mùa Vọng Chúa Nhật XXXIV - Chúa Ki-tô Vua Chúa Nhật XXXIII – Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Chúa Nhật XXXII – Thường Niên Chúa Nhật XXXI– Thường Niên Chúa Nhật XXIX – Thường Niên Chúa Nhật XXVIII – Thường Niên