OMI VIỆT NAM::Câu chuyện ngắn về các vị tử đạo tại Tây Ban Nha Hiến sĩ Câu chuyện ngắn về các vị tử đạo tại Tây Ban Nha Trong cuộc Nội chiến Tây Ban Nha (1936–1939) giữa phe Cộng hòa trung thành với nền Cộng hòa Tây Ban Nha và phe Quốc gia, phe Quốc gia đã giành chiến thắng và cai trị Tây Ban Nha cho đến năm 1975. Một khía cạnh của cuộc nội chiến này là sự đàn áp tôn giáo. Nhiều người đã bị phe Cộng hòa (bao gồm các đảng viên xã hội, cộng sản, và các nghiệp đoàn lao động cấp tiến) sát hại vì đức tin của họ. Báo cáo về sự đàn áp tôn giáo tại Tây Ban Nha ghi nhận rằng có 6.932 thành viên giáo sĩ và tu sĩ bị sát hại: 12 giám mục, 4.172 linh mục triều, 2.365 tu sĩ nam và 283 nữ tu. Trong bối cảnh thù hận và cuồng tín chống tôn giáo này, 22 vị Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm đã chịu tử đạo. Các Hiến Sĩ định cư tại khu vực Estación ở Pozuelo de Alarcón từ năm 1929. Cha Giám tỉnh sống tại đây, và Học viện là trung tâm đào tạo. Một số linh mục phục vụ như tuyên úy cho ba cộng đoàn nữ tu và thực hiện các hoạt động mục vụ trong các giáo xứ lân cận, bao gồm giải tội và giảng thuyết. Các Tập sinh Dòng Hiến Sĩ còn dạy giáo lý tại các Giáo xứ gần đó. Hoạt động tôn giáo Hoạt động tôn giáo này đã khiến các ủy ban cách mạng ở khu vực Estación lo ngại. Tuy nhiên, các Hiến Sĩ chọn giữ thái độ thận trọng, bình tĩnh và không đáp trả bất kỳ sự khiêu khích nào. Vào ngày 20 tháng 7 năm 1936, thanh niên xã hội chủ nghĩa và cộng sản xuống đường đốt phá các nhà thờ và tu viện, đặc biệt là ở Madrid. Tại Pozuelo, lực lượng dân quân tấn công một nhà nguyện ở khu vực Estación, ném các vật phẩm thánh và hình ảnh ra đường rồi đốt cháy. Họ phá hủy nhà nguyện và tiếp tục đốt phá giáo xứ địa phương. Ngày 22 tháng 7, một nhóm dân quân lớn, được trang bị súng trường và súng lục, tấn công nhà Dòng Hiến Sĩ. Họ bắt giữ 38 Hiến Sĩ, giam giữ họ trong nhà, tập trung tại nhà ăn với cửa sổ bị chấn song. Vào khoảng 3 giờ sáng ngày 24 tháng 7 năm 1936, cuộc hành quyết đầu tiên diễn ra. Họ gọi tên bảy Hiến Sĩ: • Cha Juan Antonio Pérez Mayo (1907–1936), giáo sư • Thầy Manuel Gutiérrez Martín (1913–1936), phó tế • Thầy Cecilio Vega Domínguez (1913–1936), phó tế • Thầy Juan Pedro Cotillo Fernández (1914–1936) • Thầy Pascual Aláez Medina (1917–1936) • Thầy Francisco Polvorinos Gómez (1910–1936) • Thầy Justo González Lorente (1915–1936) Không một lời giải thích, họ bị đưa lên hai chiếc xe hơi và đưa đến nơi tử đạo, nơi họ bị xử bắn. Ngày hôm đó, lực lượng cảnh sát nhận lệnh đưa những người còn lại đến Văn phòng An ninh chính. Ngày hôm sau, sau khi điền vào một số giấy tờ, 15 Hiến Sĩ khác được thả một cách bất ngờ và tìm nơi ẩn náu tại các gia đình tư nhân. Tuy nhiên, đến tháng 10, họ bị truy bắt, giam cầm, chịu đói, rét, sợ hãi và bị đe dọa. Theo lời kể của một số nhân chứng sống sót, họ đã chịu đựng hoàn cảnh này với lòng kiên nhẫn anh hùng, sẵn sàng đối diện với khả năng tử đạo, trong tinh thần bác ái và bầu khí cầu nguyện âm thầm. Các cuộc hành quyết tiếp theo Vào ngày 7 tháng 11 năm 1936, hai Hiến Sĩ bị xử tử: • Cha José Vega Riano (1904–1936), người đào tạo • Thầy Serviliano Riano Herrero (1906–1936) Ngày 28 tháng 11 năm 1936, 13 Hiến Sĩ khác bị xử tử: • Cha Francisco Esteban Lacal (1888–1936), Giám tỉnh • Cha Vicente Blanco Guadilla (1882–1936), Bề trên địa phương • Cha Gregorio Escobar García (1912–1936), linh mục trẻ • Thầy Juan José Caballero Rodríguez (1912–1936), phó tế • Thầy Publio Rodríguez Moslares (1912–1936) • Thầy Justo Gil Pardo (1910–1936), phó tế • Thầy Ángel Francisco Bocos Hernández (1882–1936) • Thầy Marcelino Sánchez Fernández (1910–1936) • Thầy José Guerra Andrés (1914–1936) • Thầy Daniel Gómez Lucas (1916–1936) • Thầy Justo Hernández González (1918–1936) • Thầy Clemente Rodríguez Tejerina (1918–1936) • Thầy Eleuterio Prado Villarroel (1915–1936) “Vạn tuế Đức Kitô Vua!” Không lời buộc tội chính thức, không xét xử, không biện hộ, không giải thích. Họ bị đưa đến Paracuellos de Jarama và bị hành quyết. Mặc dù không có nhân chứng trực tiếp chứng kiến giây phút hành quyết, nhưng người đào huyệt cho biết rằng Cha Francisco Esteban Lacal, vị Giám tỉnh, đã nói: “Chúng tôi biết rằng các ông giết chúng tôi vì chúng tôi là người Công giáo và tu sĩ. Đúng là như vậy. Tôi và các anh em tôi tha thứ cho các ông từ tận đáy lòng. Vạn tuế Đức Kitô Vua!” Quá trình phong chân phước cho thấy tất cả họ đã chết vì tuyên xưng đức tin và tha thứ cho những kẻ bách hại, dù phải chịu đựng sự tra tấn tâm lý trong thời gian giam cầm khắc nghiệt. Không ai chối bỏ đức tin hay phàn nàn về ơn gọi tu trì mà họ đã chọn lựa. (Trích từ OMIworld.org) Đình Hương, OMI. Ngày 17 tháng 11 Năm 2024 Gửi bài viết cho người thân / bạn Tên người gửi Email người gửi Tên người nhận Email người nhận Tiêu đề Email Gửi Bài liên quan Chúa Nhật XXX – Thường Niên Kỷ niệm Phụng hiến trọn đời (Khấn trọn đời) của Hiến Sĩ Tu Huynh đầu tiên (1834) – 4/6 Di sản của thánh I-giê-ni-ô Mai Thiên Lộc: quảng đại trong hành động Nhớ Về Cha Nước mắt Mùa Chay Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ Ngôn Sứ Thầm Lặng Hiến Sĩ Tu Huynh: “Quyền Bính Đích Thực Là Để Phục Vụ” Giới thiệu sách mới: Sách Gióp Viết Cho Người Bệnh